Theo người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric, ông Guterres đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc kéo dài và thực thi đầy đủ Sáng kiến Biển Đen cũng như thỏa thuận đã ký kết với Nga. Cả 2 thỏa thuận này nhằm bảo đảm đưa ngũ cốc và phân bón của Ukraine cũng như của Nga ra thị trường thế giới để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng tới hàng tỷ người. Ông Dujarric cho biết thêm LHQ tiếp tục tham gia tích cực và thường xuyên với tất cả các bên để đạt được mục tiêu này vì nếu thực phẩm và phân bón không được phân phối ra thị trường thế giới, người nông dân sẽ không có phân bón đúng vụ với giá cả hợp lý, ảnh hưởng đến sản lượng của mùa vụ năm 2023-2024 trên toàn cầu.
Quan chức LHQ cho biết thêm thời hạn ban đầu của thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Ukraine có hiệu lực trong vòng 120 và có thể tự động gia hạn vào ngày 19/11 tới nếu không bên nào phản đối. Theo đó, LHQ kêu gọi tất cả các bên nỗ lực hết sức để gia hạn Sáng kiến Biển Đen và thực thi cả 2 thỏa thuận, trong đó có cả việc nhanh chóng loại bỏ mọi trở ngại còn tồn tại đang cản trở xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.
Ngày 22/7, tại thành phố Istanbul, Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận riêng rẽ với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen có hiệu lực trong vòng 120 ngày, theo đó sẽ hết hạn trong nửa cuối tháng 11 tới. Ngoài ra còn có một biên bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Nga và LHQ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga với thời hạn 3 năm.
Trong khuôn khổ thỏa thuận trên, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ đã nhất trí thành lập Trung tâm Điều phối chung (JCC) để giám sát các tàu chở ngũ cốc. Theo JCC, đến nay, Ukraine đã thực hiện hơn 300 chuyến tàu vận chuyển và xuất khẩu được 8,5 triệu tấn ngũ cốc và các loại lương thực trong khuôn khổ thỏa thuận, qua đó đã góp phần đáng kể vào việc hạ giá lúa mì và các mặt hàng khác. Theo ước tính của LHQ, việc giảm giá các mặt hàng lương thực chính cũng gián tiếp giúp khoảng 100 triệu người tránh được nguy cơ rơi vào cảnh nghèo cùng cực.