Ngày 14/9 vừa qua, ECB đã tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp (kể từ tháng 7/2022) lên mức cao kỷ lục 4% để ứng phó với tình trạng giá tiêu dùng tăng vọt, bất chấp những lo ngại rằng việc tăng lãi suất có thể khiến nền kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) suy thoái nặng nề. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của ECB cũng phát đi tín hiệu cho thấy đây có thể là đợt tăng lãi suất cuối cùng của ngân hàng này.
Tại phiên điều trần trước Nghị viện châu Âu (EP) ở Brussels (Bỉ), Chủ tịch Lagarde đã đề cập đến khả năng chi phí đi vay tăng cao có thể ảnh hưởng tới các hộ gia đình ở 20 quốc gia thuộc Eurozone, đặc biệt là những hộ gia đình đang thế chấp tài sản để vay ngân hàng. Bà thừa nhận những khó khăn mà 30% hộ gia đình ở Eurozone có tài sản thế chấp đang phải đối mặt khi lãi suất tăng. Các hộ gia đình có thu nhập thấp cũng đang chịu gánh nặng chi phí sinh hoạt do giá nhiên liệu và giá khí đốt gia tăng. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh nhiệm vụ của ECB là đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% kịp thời để ổn định giá cả, qua đó giảm tác động đối với nền kinh tế. Do đó, ECB sẽ duy trì lãi suất ở mức đủ cao trong thời gian đủ lâu để đạt mục tiêu trên.
Phát biểu của bà Lagarde được đưa ra trong bối cảnh một số nước thuộc Eurozone như Italy và Bồ Đào Nha phản đối việc ECB nâng lãi suất trong những tháng gần đây.
Trước khi ECB tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết lạm phát tại Eurozone vẫn ở mức cao và khó có thể giảm nhanh xuống mức mục tiêu 2% đề ra.
Ngày 19/9, Eurostat - cơ quan thống kê EU, đã điều chỉnh mức lạm phát của Eurozone, cụ thể giảm nhẹ từ 5,3% trong tháng 7 xuống còn 5,2% trong tháng 8. Báo cáo trước đó của cơ quan này cho thấy lạm phát của Eurozone trong tháng 8 vừa qua là 5,3%.