Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến nay đạt xấp xỉ 79 tỷ USD. Riêng năm 2019, NHNN đã mua vào 20 tỷ USD, tức là đưa ra nền kinh tế xấp xỉ 500 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn chủ động điều tiết trung hòa đảm bảo không gây tác động lên lạm phát. Lạm phát năm 2019 được kiểm soát rất thấp, trong đó lạm phát cơ bản chỉ trong biến động từ 1,4% đến dưới 2%. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng để giữ nền tảng chung cho cả nền kinh tế vĩ mô cũng như hoạt động của các doanh nghiệp.
Việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN như điều hành tỷ giá, các chính sách ngoại hối được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là trúng và đúng, qua đó huy động được nguồn lực ngoại tệ lớn. Dự trữ ngoại hối không chỉ đến từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài, kiều hối mà đến từ sự chuyển dịch lớn các khoản ngoại tệ của các tổ chức và người dân nắm giữ trong nước; giúp khơi thông nguồn lực ngoại tệ để có nguồn dự trữ ngoại hối đối phó với các cú sốc từ bên ngoài.
"Tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm, củng cố lòng tin vào năng lực điều hành CSTT của Ngân hàng Trung ương (NHTW) cũng như niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam", lãnh đạo NHNN nói. Trong năm 2020, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT nhằm ổn định thị trường, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện và bối cảnh phù hợp.
“NHNN sẽ điều hành quyết liệt, chủ động các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, vàng như: Kiên trì thực hiện các giải pháp chống đô la hóa; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối và quản lý thị trường vàng tiến tới xây dựng Luật Ngoại hối phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, từng bước đổi mới toàn diện quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước từ khâu hoàn thiện cơ sở pháp lý đến khâu xây dựng danh mục tài sản chiến lược, chiến thuật; cải thiện hiệu quả đầu tư dự trữ ngoại hối Nhà nước”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, những năm gần đây, đặc biệt năm 2019, tình hình kinh tế - chính trị, thị trường tài chính quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là những diễn biến xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như chính sách tiền tệ phi truyền thống để thúc đẩy tăng trưởng của một loạt NHTW các nước (NHTW châu Âu, Nhật, Trung Quốc…). Tỷ giá các loại ngoại tệ và giá cả của các loại hàng hóa cơ bản có nhiều biến động như giá vàng tăng cao.
Tuy nhiên với các giải pháp quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng và hạn chế tình trạng đô la hóa đã giúp người dân tăng niềm tin vào VND, duy trì ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ và vàng trong dân sang nắm giữ VND, tạo nguồn cung bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. “Việc ổn định thị trường vàng trong bối cảnh giá vàng trên thị trường quốc tế đầy biến động đã giúp Nhà nước tiết kiệm được hàng tỷ USD do không phải can thiệp bán vàng trên thị trường trong nước như trước đây để cân đối, đáp ứng cho các nhu cầu ngoại tệ khác của nền kinh tế”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh nói.
Lợi nhuận ròng thu về từ hoạt động đầu tư dự trữ ngoại hối Nhà nước trên thị trường quốc tế trong 11 tháng năm nay trong bối cảnh lãi suất toàn cầu giảm, thậm chí nhiều đồng tiền có mức lãi suất âm… đạt được mức khả quan đáng ghi nhận (hàng chục nghìn tỷ đồng) vượt xa mức lợi nhuận của các ngân hàng thương mại hàng đầu làm ăn có hiệu quả của Việt Nam.
Theo NHNN, các dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có nhiều diễn biến tích cực, tính đến cuối tháng 11/2019, tổng vốn FDI đăng ký đạt mức 32 tỷ USD. Trong đó giải ngân 17,6 tỷ USD, góp phần tăng đáng kể cung ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước trong năm.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay: Doanh nghiệp và người dân ai cũng mong muốn được hoạt động sản xuất, kinh doanh trong môi trường ổn định kinh tế vĩ mô để có thể chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình. Mặt bằng lãi suất về cơ bản được giữ ổn định, giảm nhẹ (lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên năm qua đã giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm); tỷ giá thị trường ngoại hối ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng, Đối với tín dụng, NHNN cũng điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tăng trưởng tín dụng đến hôm nay đạt khoảng 13,5%, rất sát so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm.
Tỷ giá ổn định phiên đầu năm mới
Phiên giao dịch đầu tiên của năm 2020, ngày 2/1, tỷ giá USD tại các ngân hàng nhìn chung duy trì ổn định, như phiên trước đó. Giá mua thấp nhất ở mức 23.071 đồng/USD, giá mua cao nhất là 23.130 đồng/USD. Trong khi đó, ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất 23.210 đồng/USD, giá bán cao nhất 23.233 đồng/USD. Sáng 2/1, NHNN đã điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm 5 đồng xuống mức 23.150 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần là 23.845 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.455 đồng/USD. Sở Giao dịch NHNN duy trì giá mua vào ở mức 23.175 đồng/USD, trong khi giá bán ra được niêm yết thấp hơn giá trần 50 đồng, ở mức 23.795 đồng/USD.