Đồng USD tăng phiên 20/9 khi các nhà giao dịch chờ đợi quyết định của Fed

Đồng USD tăng vào cuối phiên 20/9 khi giới đầu tư chuẩn bị cho một quyết định quan trọng về lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chú thích ảnh
Nhân viên ngân hàng kiểm tiền mệnh giá 100 USD tại ngân hàng Hana ở Seoul, ngày 14/9/2022. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - phiên này tăng 0,44% lên 110,2150.

Vào cuối phiên giao dịch tại New York, đồng euro đã giảm từ 1,0014 USD đổi 1 euro trong phiên trước xuống 0,9972 USD đổi 1 euro. Đồng bảng Anh cũng giảm từ mức 1,1420 USD đổi 1 bảng của phiên 19/9 xuống 1,1370 USD đổi 1 bảng phiên này.

Đối với các đồng tiền khác, 1 USD phiên này đổi được 143,66 yen Nhật Bản, cao hơn mức 143,25 yen của phiên trước.

Những phản ứng trên của thị trường diễn ra khi các nhà giao dịch chú ý đến các động thái của Fed để tìm thêm manh mối về quỹ đạo của đồng USD cũng như xu hướng chính sách của ngân hàng trung ương này. Thị trường đang dự báo Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất ít nhất 75 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào thứ Tư (21/9).

Lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng hay được định giá bằng đồng bạc xanh (như dầu thô) giảm đáng kể. 

Không chỉ Fed, các ngân hàng trung ương khác cũng dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Tuần này, các ngân hàng trung ương tại Anh, Na Uy, Thụy Sỹ và Nhật Bản cũng tổ chức các cuộc họp về chính sách tiền tệ.

Giữa bối cảnh đó, tờ Wall Streat Journal đăng tải bài viết nhận định rằng đồng USD đang trải qua một đợt tăng giá hiếm thấy. Tuy nhiên, đợt tăng này có nguy cơ làm trầm trọng thêm các vấn đề của nền kinh tế toàn cầu, bao gồm tốc độ tăng trưởng chậm lại và lạm phát phi mã.

Báo cáo cho biết vai trò của đồng USD là đồng tiền chủ chốt được sử dụng trong hoạt động thương mại và tài chính toàn cầu. Điều đó có nghĩa là những biến động của đồng bạc xanh sẽ có tác động rộng rãi trên thế giới.

Bài báo đồng thời lưu ý rằng sức mạnh của đồng USD đang được thể hiện trong tình trạng thiếu nhiên liệu và lương thực ở Sri Lanka, trong bối cảnh lạm phát kỷ lục của châu Âu và thâm hụt thương mại bùng nổ của Nhật Bản.

Trong một dấu hiệu đáng lo ngại, nỗ lực bảo vệ đồng nội tệ của các nhà hoạch định chính sách ở một số nền kinh tế chủ chốt phần lớn đã thất bại trước sự tăng giá không ngừng của đồng USD.

H.Thủy (TTXVN)
Giá dầu tại châu Á giảm nhẹ trong phiên 20/9 do lo ngại Fed tăng lãi suất
Giá dầu tại châu Á giảm nhẹ trong phiên 20/9 do lo ngại Fed tăng lãi suất

Giá dầu tại châu Á ổn định trong phiên 20/9, do lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất trong tuần này nhằm kiểm soát lạm phát sẽ khiến nền kinh tế giảm tốc và làm giảm nhu cầu nhiêu liệu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN