Trong những ngày gần đây, giữa bối cảnh giá dầu tăng liên tục, đồng USD cũng ngày càng mạnh hơn. Theo hãng tin chuyên về kinh tế Bloomberg, chỉ số DXY- chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD tương quan với 6 loại tiền tệ khác, bao gồm đồng euro, đồng yen Nhật Bản, đồng bảng Anh, đồng đôla Canada, đồng krona Thụy Điển và đồng franc Thụy Sỹ – đã tăng hơn 6% từ giữa tháng 7/2023 đến giữa tháng 10/2023.
Tờ Financial Times (FT) nhận định, mối quan hệ USD – dầu mỏ đã có từ nhiều thập kỷ trước, là kết quả của hàng chục năm nghiên cứu và đổi mới trong lĩnh vực dầu mỏ Mỹ, đưa quốc gia này trở thành nhà nhập khẩu ròng đồng thời cũng là nước xuất khẩu ròng năng lượng nói chung.
Là nhà xuất khẩu ròng nhiều hàng hóa quan trọng có nghĩa là đồng USD sẽ gia nhập câu lạc bộ “tiền tệ hàng hóa”. Tuy nhiên, không giống như các thành viên thuộc câu lạc bộ “tiền tệ hàng hóa” khác, đồng USD có vai trò thống trị trên thị trường tiền tệ hàng hóa toàn cầu, có sức mạnh “tạo sóng” trên thị trường thế giới.
Ba yếu tố chính là giá dầu tăng, đồng USD mạnh hơn, đi kèm lãi suất ở Mỹ cao hơn đang gây áp lực cho các nhà nhập khẩu năng lượng ở châu Á, nơi tốc độ tăng trưởng kinh tế đang bị thách thức bởi lực cản từ một Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất châu Á đang gặp khó khăn.
Hàn Quốc, một trong những nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, là một ví dụ điển hình. Vào tháng Chín, giá tiêu dùng của Hàn Quốc tăng mạnh nhất trong 5 tháng, chủ yếu do giá hàng hóa tăng. Cũng trong tháng này, đồng won Hàn Quốc đã mất giá khoảng 2% so với đồng USD mặc dù Ngân hàng trung ương nước này (BoK) đã rút dự trữ ngoại hối khoảng 4 tỷ USD (1% tổng dự trữ) để mua vào đồng nội tệ.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết mối tương quan giữa đồng USD và giá hàng hóa có thể góp phần gây ra lạm phát cao hơn và tăng trưởng thấp hơn. Nếu mối liên hệ này tiếp tục phát triển mạnh mẽ nó cũng có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính vĩ mô. Các quốc gia nhập khẩu hàng hóa có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi sức mua đồng tiền của họ sụt giảm nghiêm trọng.