Cụ thể, giá cát san lấp trước đây là 40.000 đồng/m3 nay lên tới 120.000 - 250.000 đồng/m3. Giá cát xây dựng từ 80.000 đồng/m3 hiện là 250.000 - 280.000 đồng/m3. Dù giá cát tăng nhưng để mua số lượng lớn phải chờ 5 - 10 ngày.
Anh Võ Văn Hùng, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, nơi gần mỏ cát, đã đăng ký một tàu cát để san lấp mặt bằng khoảng nửa tháng nay nhưng hiện vẫn chưa có. 3 tháng trước, giá cát san lấp là 40.000 đồng/m3, nhưng nay lên tới 150.000 đồng/m3.
Tại một cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở thành phố Cao Lãnh, tháng 2/2017 bán cát xây dựng với giá 150.000 đồng/m3 nay lên đến 280.000 đồng/m3. Tuy nhiên, tàu cung cấp cát để cửa hàng bán lẻ cũng rất hạn chế và phải chờ 4 - 5 ngày.
Theo ghi nhận của phóng viên, nguyên nhân khiến cát khan hiếm tại nơi có mỏ bởi nhiều phương tiện từ các tỉnh khác dồn về Đồng Tháp thu mua. Thậm chí, nhiều xe container từ TP Hồ Chí Minh về Đồng Tháp mua cát với giá rất cao.
Trước hiện tượng cát khan hiếm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng chỉ đạo ưu tiên cung cấp cát cho các dự án, công trình. UBND tỉnh cũng có công văn ưu tiên bán cát cho các công trình xây dựng cầu Cao lãnh, cầu Vàm Cống, xây dựng đường nông thôn, các công trình công cộng, xây dựng trường học, bệnh viện.
Cụ thể, vừa qua, tỉnh phê duyệt ưu tiên cho Công ty Cổ phần Nhân Bình Tây Đô - thành phố Cao Lãnh thực hiện công trình xử lý sạt lở bờ sông khu vực gần chợ Bình Thành, huyện Thành Bình dùng cát lấp hố xoáy với chiều dài 850 m, khối lượng là 20.000 m3 cát. Ông Đinh Quang Vũ - Phó Giám đốc Công ty cho biết, trước đây chưa có chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị anh đăng ký mua cát mất 6 - 7 ngày mới có một tàu chở cát cung cấp 600 m3.
Hiện tỉnh Đồng Tháp giao cho Công ty CP Xây lắp - Vật liệu xây dựng Đồng Tháp là công ty được giao khai thác nhiều nhất tỉnh, đang được khai thác ở 15 vị trí mỏ và cố gắng cung cấp 7 triệu m3/năm để kịp thời cung cấp cho thị trường.
Theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường, hiện tỉnh Đồng Tháp cấp phép hoạt động cho 3 công ty khai thác ở các khu mỏ từ khu vực đầu nguồn huyện Hồng Ngự đến huyện Cao Lãnh. Công suất khai thác ước tính hơn 8 triệu m³/năm .
Chủ trương của UBND tỉnh Đồng Tháp là đến năm 2020 sẽ giảm dần phương tiện và sản lượng khai thác tại các mỏ, giảm cao trình khai thác để đảm bảo cân đối chung. Đặc biệt, những vùng có nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực sạt lở như xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự và xã Bình Thành, huyện Thanh Bình.
Địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép, ngoài vị trí cho phép, phân bố lại các phương tiện khai thác trên từng khu vực mỏ, đảm bảo khai thác đúng quy định và ưu tiên khai thác cát phục vụ công trình trọng điểm và công trình dân sinh.