Tại thị trường trong nước, tính đến cuối ngày 2/3, tỷ giá hối đoái giữa đồng ruble và đồng USD là 106,01 ruble/1USD, thấp hơn mức 106,02 ruble/1 USD ghi nhận một ngày trước đó. Tại thị trường nước ngoài, tỷ giá hối đoái là 110 ruble/1 USD, giảm 9,1% trong một ngày.
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tới miền Đông Ukraine, các nước phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt hà khắc với nền kinh tế nước này, đẩy các thị trường tài chính trong nước vào hỗn loạn. Hiện thị trường chứng khoán Nga vẫn phải đóng cửa, hoạt động giao dịch liên quan nợ công Nga cũng không thể thực hiện. Brian Jacobsen, chuyên gia chiến lược đầu tư của Allspring Global Investments, cho rằng khi tình hình căng thẳng càng kéo dài thì kinh tế Nga sẽ chịu thêm thiệt hại, nhiều người muốn bán đồng ruble trong khi người mua lại do dự không muốn giữ đồng tiền này.
Fitch cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cấm mọi giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga sẽ có tác động lớn hơn tới các nền tảng tín dụng của nước này so với mọi biện pháp trừng phạt trước đó. Moody’s nhận định những ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt này đang đi xa hơn so với những dự kiến ban đầu của hãng và sẽ ảnh hưởng tới các chỉ tiêu đánh giá xếp hạng tín dụng.
Kể từ sau khi triển khai chiến dịch quân sự vào ngày 24/2, đồng ruble của Nga đã giảm giá trị 30% và các nhà phân tích lo ngại giá trị đồng tiền Nga vẫn còn bất ổn. Chính phủ Nga và Ngân hàng trung ương nước này đã ban hành một số biện pháp nhằm hỗ trợ đồng nội tệ như yêu cầu các nhà xuất khẩu đổi 80% thu nhập ngoại tệ sang đồng ruble. Ngân hàng Trung ương Nga đã áp mức phí 30% với các giao dịch mua ngoại tệ của cá nhân trong khi Bộ Tài chính đã dừng mua ngoại tệ và vàng trong năm nay.