Chủ tịch FTI Supant Mongkolsuthree cho rằng Chính phủ Thái Lan nên chú ý tới việc đồng baht lên xuống thất thường, bởi điều này đang tác động mạnh tới khu vực xuất khẩu.
Theo ông Supant, thị trường thế giới đang đối mặt với bất ổn gây ra bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã “đóng băng” lãi suất cơ bản và sẵn sàng cắt giảm lãi suất trong tương lai để bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước các xung đột thương mại và những mối đe dọa khác.
FTI hy vọng Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (MPC) xem xét vấn đề đồng baht tăng giá trong cuộc họp ngày 26/6. Hiện lãi suất cơ bản của Thái Lan ở mức 1,75%.
Theo ông Supant, các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chỉ dựa vào xuất khẩu và sử dụng các nguyên liệu địa phương, do đó họ cảm thấy sức ép từ việc đồng baht mạnh lên. Trong khi đó, nông dân Thái Lan đang phải đối mặt với một loạt vấn đề như giá nông sản ở mức thấp, cạnh tranh cao hơn và thị trường toàn cầu ảm đạm.
Hồi tuần trước, đồng baht của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua là 30,86 baht đổi 1 USD. Theo ông Supant, đồng baht được cho là một trong những đồng tiền có mức tăng giá cao nhất ở châu Á. Ông Supant cho rằng mức tỷ giá có lợi cho các nhà xuất khẩu nên là 35 - 36 baht đổi 1 USD.
Xuất khẩu đóng góp tới 65 - 70% GDP của Thái Lan. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, trong tháng 5/2019, kim ngạch xuất khẩu Thái Lan đạt 648 tỷ baht (21 tỷ USD), giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu Thái Lan đã giảm 2,7% so với cùng kỳ 2018, do sự bất ổn của kinh tế toàn cầu ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chính sách tài chính thắt chặt hơn, tiến trình Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) không suôn sẻ, và bất ổn địa chính trị…