Theo Bộ Công Thương, từ ngày 1/4 tới, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ tự xác định mức giá bán lẻ sữa đến người mua cuối cùng; đồng thời đăng ký hoặc kê khai giá với cơ quan nhà nước; triển khai giá bán này và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm trong toàn chuỗi phân phối trên cả nước.
Sắp tới giá sữa sẽ do doanh nghiệp tự quyết định và đăng kí với cơ quan quản lý. Ảnh: HD |
Có thể thấy sau gần 3 năm thực hiện quy định áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá sữa đã phần nào được kiểm soát. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa thực sự quản lý được giá sữa từ gốc, chưa tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng trên thị trường sữa nên khiến nhiều DN phản đối.
Quy định bỏ trần giá sữa được các chuyên gia kinh tế ủng hộ, nhưng cũng khiến không ít người tiêu dùng lo lắng, liệu giá sữa có “nhảy múa” giống như thời điểm trước khi áp trần?
Thị trường vẫn ổn địnhKhảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng bán sữa tại Hà Nội, hầu hết các loại sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn được bày bán như: Friso, Grow plus, Similac, Optimum… Không có sản phẩm “cháy hàng” trên các quầy kệ.
Về giá bán, các cửa hàng vẫn đang thực hiện bán thấp hơn giá trần. Ví dụ như giá trần 1 hộp sữa bột Dielac Alpha Step 3 (900 gram) dành cho trẻ từ 1-2 tuổi là 176.924 đồng, giá bán lẻ tại siêu thị Big C là 175.900 đồng. Sữa Dielac Pedia 2+ (900 gram) có giá trần 294.000 đồng, trong khi giá bán lẻ là 293.500 đồng. Có thể thấy, trên thị trường hầu như không xuất hiện tình trạng găm hàng để chờ thời cơ tăng giá.
Theo đại diện một cửa hàng bán sữa có tiếng trên phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội), nếu bỏ giá trần, cửa hàng sẽ không gặp khó khăn trong việc quản lý mặt hàng cũng như điều phối sản phẩm. Cửa hàng có thể lựa chọn cách bán hàng phù hợp nhất để giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng được tốt hơn cũng như lựa chọn được nhà cung cấp sản phẩm hợp lý.
Theo các chuyên gia, biện pháp áp giá trần không phải là biện pháp quản lý tốt nhất, chỉ thực hiện khi thị trường có sự độc quyền của một vài doanh nghiệp lớn. Các DN sữa ngoại đã nhiều lần gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính (khi Bộ này được phân công quản lý giá sữa) đề nghị bỏ trần giá sữa để tạo sự cạnh tranh bình đẳng.
Tháng 9 năm ngoái, công ty Danone - một DN sản xuất bơ và sữa của Pháp, lớn thứ 2 trên thế giới đã quyết định rời bỏ Việt Nam sau 20 năm gắn bó. Nhãn hiệu sữa bột quen thuộc dành cho trẻ em Dumex cũng ngừng hoạt động.
Đại diện Danone từng chia sẻ với báo chí, việc ra đi này chỉ là kế hoạch nằm trong chiến lược kinh doanh của Tập đoàn, không liên quan đến chính sách tại Việt Nam. Tuy nhiên, mới đây, công bố Sách Trắng của Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) nhìn nhận, việc phải rời khỏi Việt Nam của một DN sản xuất sữa hàng đầu thế giới, một thành viên của Eurocham là có liên quan tới các vấn đề chính sách mà tổ chức này đã nêu lên nhiều lần với Chính phủ Việt Nam mà chưa được giải quyết. Có thể thấy Eurocham đang ám chỉ chính sách “trần giá sữa” mà cơ quan này nhiều lần kiến nghị Việt Nam dỡ bỏ.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, biện pháp hành chính áp giá trần chỉ là biện pháp cuối cùng và hiệu quả không cao. Điều quan trọng là phải giải quyết bài toán phát triển sản xuất trong nước, nhất là khi sữa bột Việt Nam đang thua sản phẩm nước ngoài. Thêm vào đó, cần giải quyết bài toán cung - cầu, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh sữa, chống độc quyền...
Quản chặt để giá sữa không “nhảy múa”Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, việc loạn giá sữa không bắt nguồn từ việc áp hay bỏ giá trần mà do khâu quản lý yếu kém.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, khi xác định có độc quyền thì mới áp giá trần. Khi không xác định được việc có hay không doanh nghiệp có thị phần thống lĩnh mà áp giá trần là sai quy luật. Do đó, việc bỏ quy định áp giá trần là rất cần thiết để trả lại sự cạnh tranh cho thị trường.
Khi bỏ trần giá sữa, các DN sẽ cạnh tranh bình đẳng, tạo sức ép lên giá thành buộc DN phải giảm giá, DN nào bán giá cao thì người tiêu dùng sẽ không mua. Trong quá trình cạnh tranh, nếu DN đẩy giá lên quá cao thì sẽ đánh mất lợi thế của mình.
Về lo lắng tăng giá sữa của người tiêu dùng, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, bỏ giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng trong Luật Giá cũng quy định, khi có những biến động đột xuất thì cơ quan chức năng có quyền kiểm tra giá thành sản phẩm. Đây chính là công cụ để cơ quan chức năng quản lý giá sữa.
Theo các chuyên gia, sau khi bỏ giá trần, cần có biện pháp bình ổn giá, bảo vệ một số đối tượng tiêu thụ sản phẩm sữa như nhóm sữa bình dân cho người thu nhập thấp. Biện pháp quản lý hiệu quả nhất là nắm được đầu vào, công khai minh bạch niêm yết giá bán sản phẩm sữa, DN nhập khẩu bao nhiêu, giá cả bao nhiêu, giá thị trường, thuế, chi phí… Nếu Bộ Công Thương quản lý tốt, nắm được các yếu tố đó thì DN không có cơ hội tăng giá bất hợp lý.
Về phía DN, sau khi bỏ giá trần, về lý thuyết, DN được tự định giá. Tuy nhiên, bên cạnh việc vẫn phải đăng ký giá, DN còn phải tính tới yếu tố thị phần, phân khúc cạnh tranh chứ không thể tùy tiện “thích tăng bao nhiêu thì tăng”.