Điều kiện để dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường chứng khoán

Tỷ giá hạ nhiệt sẽ giúp chính sách tiền tệ "dễ thở hơn" trong những tháng cuối năm, qua đó tạo điều kiện để dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường cổ phiếu. Đây là nhận định của chuyên gia tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT).

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Minh Phương/Báo Tin tức

Chờ "cú hích" với nhóm doanh nghiệp bất động sản

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT, xu hướng thị trường từ nay tới cuối tháng 11 vẫn sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ kèm với dòng tiền cải thiện. Cụ thể, tỷ giá trong nước liên tục hạ nhiệt trong những ngày gần đây sẽ tác động tâm lý tích cực tới nhà đầu tư.

Đồng thời, tỷ giá hạ nhiệt sẽ giúp chính sách tiền tệ được "dễ thở hơn" trong những tháng cuối năm, qua đó tạo điều kiện để dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường cổ phiếu.

Cuối tháng 11, thị trường sẽ hướng sự chú ý tới nghị trường Quốc hội với kỳ vọng 3 dự luật (sửa đổi) liên quan tới thị trường bất động sản được thông qua, bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Nếu các dự luật (sửa đổi) này được thông qua sẽ là cú hích đối với triển vọng của nhóm doanh nghiệp bất động sản.

"Trong bối cảnh đang có nhiều thông tin hỗ trợ, tôi kỳ vọng dòng tiền thông minh sẽ vẫn duy trì vị thế trên thị trường cổ phiếu và đà phục hồi có thể tiếp diễn. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong quá trình đi lên để mua vào cổ phiếu", ông Hinh khuyến nghị.

Tuy nhiên, theo ông Hinh, nhà đầu tư cần lưu ý đây mới chỉ là nhịp phục hồi, chưa xác nhận một xu hướng tăng giá bền vững, do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức hợp lý, khoảng 50 - 60% danh mục và hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy để quản trị rủi ro danh mục đầu tư.

Thực tế, thị trường vừa trải qua một nhịp phục hồi tương đối mạnh và có thể tiếp tục đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn trong những phiên đầu tuần tới.

Vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế tâm lý "Fomo" (sợ bỏ lỡ cơ hội) mua đuổi khi cổ phiếu tăng mạnh trong phiên. Thay vào đó, nhà đầu tư nên chờ đợi các nhịp chỉnh để có thể xem xét mua vào cổ phiếu, vị chuyên gia từ VNDIRECT khuyến nghị.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc tuần giao dịch bằng một phiên chốt lời diện rộng (phiên 10/11) và chỉ số VN-Index giảm hơn 12 điểm, sau chuỗi tăng điểm mạnh gần 100 điểm từ đáy.

Ở những phiên đầu tuần, VN-Index vận động tích cực, nối tiếp đà tăng cuối tuần trước do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm giảm về mức 4,6%, giúp áp lực giúp tỷ giá trong nước hạ nhiệt.

Điều này giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong nước vốn chịu nhiều áp lực suốt những tháng gần đây liên quan tới câu chuyện tỷ giá.

Tuy vậy, áp lực chốt lời dần gia tăng trong 2 phiên cuối tuần, đặc biệt trong phiên ngày thứ 6 sau phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell rằng, Fed không đủ tự tin đã thắt chặt chính sách đủ mạnh đề "ghìm cương" lạm phát về mức mục tiêu 2%, đồng thời lưu ý Fed sẽ thực hiện đúng nhiệm vụ của mình và tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát tăng tốc trở lại.

Phát biểu trên đã khiến nhiều thị trường chứng khoán quốc tế giảm điểm mạnh, kéo theo phiên điều chỉnh của thị trường trong nước trong phiên cuối tuần.

Tổng kết tuần (từ 6 - 10/11), nhờ mức tăng mạnh đầu tuần, chỉ số VN- Index vẫn tăng 2,3% lên 1.101,7 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 4,08% lên 226,65 điểm và UPCOM-Index hồi phục 2,2%, đóng cửa tại 86,03 điểm.

Tuần qua, VCB giảm 3,3%, MSN giảm 3,4%, SAB giảm 2,4% là các cổ phiếu vốn hóa lớn kéo giảm thị trường. Ngược lại, đà hồi phục của chỉ số được dẫn dắt bởi VIC tăng 8,1%, HPG tăng 5,6%, VHM tăng 4,4% và CTG tăng 5%.

Đà hồi phục tuần này của thị trường được ủng hộ bởi thanh khoản khi giá trị giao dịch bình quân tăng mạnh 27,5% so với tuần trước, đạt 20.306 tỷ đồng.

Tuần qua, khối ngoại quay trở lại bán ròng trên cả 3 sàn, tập trung trên HOSE với giá trị 1.217 tỷ đồng (tuần trước khối ngoại mua ròng 300 tỷ đồng trên HOSE).

Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục mua ròng trên HNX và UPCOM với giá trị lần lượt 240 tỷ đồng và 47 tỷ đồng.  Như vậy, khối ngoại đã bán ròng 930 tỷ đồng trong tuần giao dịch qua.

Theo ông Phạm Bình Phương, chuyên viên phân tích cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), sau khi vượt mốc 1.100 điểm, cũng là ngưỡng kháng cự MA 20 ngày (đường trung bình động lấy mốc thời gian ngắn hạn trong 20 phiên giao dịch), áp lực bán đã được kích hoạt kéo theo diễn biến điều chỉnh của VN-Index trong phiên cuối tuần. Ngưỡng kháng cự MA 20 của tuần qua sẽ trở thành ngưỡng hỗ trợ của tuần tới.

"Hiện tại mốc MA 20 ngày đang ở mức 1.088 điểm, do đó trong tuần sau vùng 1.090 điểm được chúng tôi kỳ vọng sẽ là mốc hỗ trợ đáng quan tâm của nhà đầu tư", ông Phương nhìn nhận.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), về tình hình vĩ mô, quý cuối năm thường là giai đoạn mà các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động nhất, GDP đang có xu hướng phục hồi đà tăng trưởng dù tôc độ tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng.

Tình hình địa chính trị thế giới đang tồn tại nhiều bất ổn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp, mặt khác tình hình lạm phát toàn cầu vẫn chưa thực sự được kiểm soát do xu hướng giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng, kinh tế khu vực EU dễ bước vào suy thoái... điểm tích cực là lãi suất của Việt nam đang duy trì ở mức thấp và ổn định.

SHS cho rằng, với tình trạng vĩ mô hiện tại nếu thị trường tìm đến điểm cân bằng và tạo nền tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp.

Thực tế tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới duy trì động lực tăng trưởng.

Chứng khoán Mỹ duy trì động lực tăng trưởng

Trong tuần qua, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) đều tăng điểm trong bối cảnh giới đầu tư chờ báo cáo về lạm phát và những số liệu kinh tế khác sẽ công bố trong tuần tới.

Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng khoảng 0,7%, chỉ số S&P 500 tăng 1,3% và chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,4%.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ phiên cuối tuần 10/11 tăng điểm mạnh, nhờ các cổ phiếu tăng trưởng và công nghệ. 

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,15% lên 34.283,1 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,56% lên 4.415,24 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,05% lên 13.798,11 điểm.

Mức chốt phiên của chỉ số S&P 500 là cao nhất kể từ ngày 19/9. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite có mức tăng phần trăm theo ngày mạnh nhất kể từ ngày 26/5.

Các nhà đầu tư đang tập trung sự chú ý vào chính sách tiền tệ, khi đánh giá liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn thành việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát hay chưa và khi nào Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất.

Trong tuần tới, báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng sẽ được theo dõi sát sao cùng với số liệu về giá của nhà sản xuất và doanh số bán lẻ.

Theo đối tác tại công ty đầu tư Cherry Lane Investments, Rick Meckler, các nhà đầu tư nhận định sẽ liệu lạm phát sẽ có tác động tích cực tới thị trường.

Văn Giáp (TTXVN)
Kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi sau giai đoạn bán tháo
Kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi sau giai đoạn bán tháo

Thị trường chứng khoán đã có phiên giảm điểm khá tương đối khi mất hơn 12 điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua, đưa VN-Index về 1.101,68 điểm. Việc điều chỉnh này được giới phân tích nhận định là bình thường và sẽ tiếp tục hồi phục trong thời gian tới sau chuỗi bán tháo vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN