Điều hành giá cuối năm: Đề phòng những yếu tố bất lợi

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017 chịu tác động nhiều chiều của bối cảnh kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến, kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đã đề ra

Giá cả ổn định

Đánh giá chung về giá cả thị trường 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Duy Thiện, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết về cơ bản ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến, kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Theo PGS. TS Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Điểm đáng chú ý là giá nông sản thực phẩm nhất là giá thịt lợn giảm mạnh tác động tiêu cực tới chăn nuôi và thách thức tới mục tiêu tăng trưởng năm 2017 của cả nước…


Thương lái thu mua mận hậu. Ảnh minh họa: Hữu Quyết/TTXVN.

Nguyên nhân khiến CPI trong 6 tháng qua tăng là do giá dịch vụ y tế tại 27 tỉnh, thành phố điều chỉnh, cùng với việc Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2017/TT-BYT quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán quỹ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, một số địa phương thực hiện lộ tình tăng học phí theo Nghị định 86/2015…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Thiện cũng cho rằng ngoài những yếu tố làm tăng CPI như trên còn do nhu cầu, sức mua hàng hóa, dịch vụ, đi lại, du lịch tăng cao theo quy luật dịp Tết Nguyên đán, nghỉ lễ 30/4, 1/5, giá nhiên liệu thị trường thế giới tăng tác động vào giá trong nước, tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân làm tăng CPI, có những yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như quản lý, điều hành giá tiếp tục được các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện, bám sát tình hình thực tiễn; đồng thời có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, địa phương.

Công tác điều hành giá đã có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ tổng hợp (Tài chính - Ngân hàng Nhà nước - Kế hoạch và Đầu tư) với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nhất là điều hành giá một số mặt hàng quan trọng như giá xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục. Việc bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng được chú trọng, nhất là trong dịp lễ, tết.

Đề phòng các yếu tố bất lợi

Tại kỳ hợp thứ 2 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017; trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%. Theo Cục Quản lý giá một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá 6 tháng cuối năm là việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa dịch vụ quan trọng; giá xăng dầu thế giới biến động khó lường do những căng thẳng giữa các quốc gia vùng Vịnh; lương cơ bản của các đối tượng hưởng lương ngân sách tiếp tục được điểu chỉnh tăng từ 1/7/2017.

Cùng với đó là biến động mang tính thời điểm, thời vụ về cung cầu của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm do yếu tố thiên tai, môi trường và thời tiết bất lợi; nhu cầu mua sắm, tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và đặc thù thường tăng cao trong dịp tết.

Diễn biến nhu cầu thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng tác động đến giá trong nước theo xu hướng tăng giá vượt đáy của các loại hàng hóa trên thế giới…

Tuy nhiên, nhận định về thị trường hàng hóa 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng sẽ khó có biến động lớn, CPI bình quân tiếp tục xu hướng giảm và kể cả có sự điều chỉnh của giá các hàng hóa, dịch vụ nhà nước quản lý, CPI bình quân dự kiến đạt mức Quốc hội giao.

PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng để thực hiện tốt mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng như trên cần xác lập kịch bản giá cho từng mặt hàng trong rổ hàng hóa tính lạm phát (lạm phát cơ bản, y tế, giáo dục, thực phẩm, xăng dầu,...). Việc cập nhật thường xuyên thông tin thị trường và kiên trì điều hành giá theo tín hiệu thị trường là những việc đặt ra cho các bộ, ngành và địa phương để thực hiện kiểm soát lạm phát trong năm nay.

Đại diện Cục Quản lý giá cũng nhấn mạnh, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục chủ động và phối hợp chặt chẽ trong quản lý giá, điều hành giá để giảm nhẹ các rủi ro của áp lực tăng giá. Bên cạnh đó, khai thác triệt để các yếu tố giảm giá hàng hóa dịch vụ theo yếu tố thị trường để kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng.

Trong đó, các bộ, ngành địa phương cần tập trung theo dõi diễn biến cung cầu, thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống như điện, xăng dầu, phân bón, khi hóa lỏng, thuốc bảo vệ thực vật, sữa trẻ em…

Đối với việc thực hiện lộ trình một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu thì các bộ, ngành, Tổng cục Thống kê và các địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ, tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung.
Minh Phương - Thùy Dương/Báo Tin Tức
Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng góp phần giảm lạm phát cơ bản
Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng góp phần giảm lạm phát cơ bản

Tại buổi báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức chiều 10/4, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tiền tệ theo hướng thận trọng và điều này phần nào khiến lạm phát cơ bản trong quý I giảm nhẹ so với năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN