Tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã thống nhất tán thành với việc bổ sung ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Các chuyên gia cho rằng đề xuất trên là cần thiết trong việc bảo đảm an toàn cho người sử dụng cũng như xây dựng ngành công nghiệp ô tô.
Theo lộ trình cắt giảm thuế trong khối ASEAN, năm 2018, các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc với điều kiện xe đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%; đồng nghĩa giá xe nhập khẩu vào thị trường Việt Nam sẽ giảm. Vì vậy, nếu không làm tốt, ô tô lắp ráp trong nước sẽ mất chỗ đứng.
Các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước đang đứng trước nhiều thách thức. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Với thực tế này, không ít người lo ngại về ngành công nghiệp ô tô non trẻ Việt sẽ không đủ sức cạnh tranh với xe nhập khẩu. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, nên từ bỏ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và đợi năm 2018 thuế xe ASEAN về 0% sẽ chuyển sang nhập khẩu xe để người tiêu dùng được đi xe với giá hợp lý. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng, cần có chính sách “phòng vệ chính đáng” để doanh nghiệp trong nước đủ mạnh cạnh tranh, cần cho ngành nghề ô tô vào kinh doanh có điều kiện.
Theo tính toán của một chuyên gia trong ngành, đến năm 2020, dự báo thị trường xe hơi tại Việt Nam sẽ có sự bùng nổ, đạt sản lượng trên 300.000 xe và đến năm 2030 sẽ đạt trên 1 triệu xe/năm. Với quy mô khoảng 12 tỷ USD đến năm 2030, nếu “dẹp” ngành ô tô trong nước, người Thái sẽ là người được hưởng lợi nhất vì bán xe cho Việt Nam với thuế suất chỉ 0%. Với Việt Nam, viễn cảnh chi số tiền khổng lồ như trên để nhập siêu, cán cân ngoại tệ mất cân đối không khó hình dung.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đại diện đơn vị thẩm tra dự án luật của Bộ KH&ĐT cho rằng: Điều kiện đăng ký kinh doanh trong sản xuất, lắp ráp nhập khẩu ô tô không gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà ảnh hưởng đến người sản xuất. “Chúng ta nên phải đặt ra điều kiện kinh doanh để các doanh nghiệp phải tuân thủ những yêu cầu chất lượng chứ không hạn chế doanh nghiệp tham gia vào thị trường sản xuất và lắp ráp ô tô”, ông Kiên chia sẻ.
Theo ông Kiên, việc đưa ngành sản xất, lắp láp ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện chính là đang tạo điều kiện cơ hội cuối cùng cho các nhà sản xuất công nghiệp, sản xuất cơ khí muốn tham gia vào lĩnh vực đầu tư chiều sâu về phát triển kinh tế đất nước.
“Thực hiện quốc tế hóa thị trường không có nghĩa là không có bảo hộ. Nhưng bảo hộ phải được công khai, minh bạch và dự báo được hiệu quả chính sách đó. Còn bất cứ quốc gia nào cũng phải bảo vệ lợi thế cạnh tranh của quốc gia mình”, ông Kiên bày tỏ quan điểm.
Liên quan tới “quyết định đưa ngành nghề kinh doanh ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, một số doanh nghiệp ô tô phản ứng, với việc siết chặt quy định thì “sân chơi” có lẽ sẽ chỉ còn dành cho những doanh nghiệp lớn. Về vấn đề này, ông Lâm Chí Quang, Ủy viên đoàn chủ tịch của Tổng hội Cơ khí Việt Nam khẳng định: Không nên chia “chiến tuyến” nhập khẩu và sản xuất vì có những doanh nghiệp vừa nhập khẩu và vừa sản xuất ô tô tại Việt Nam, ngược lại có những doanh nghiệp chỉ nhập khẩu không sản xuất như vậy họ được ủy quyền chính hãng. Do đó điều kiện này Chính phủ đưa ra là công bằng và chung cho tất cả.
“Tôi đồng tình với quan điểm lợi ích tổng thể, quan điểm bảo vệ người tiêu dùng, quan điểm bảo vệ nền công nghiệp ô tô phát triển theo chiều sâu. Trên thế giới nước nào trên 30 triệu dân đều phải tập trung phát triển công nghiệp ô tô”, ông Quang chia sẻ.
Về việc ngành ô tô Việt đến nay phát triển vẫn chưa đạt mục tiêu, ông Đông nói, cách đây 10 năm, thu nhập bình quân Việt Nam chỉ 500 - 600 USD/người, trong khi 20 năm trước các nước đã đạt mức 2.000 USD. "Không vì cái chưa làm được mà không làm. Nếu không bắt đầu từ bây giờ thì sẽ không bao giờ có. Hiện Việt Nam đã đạt mức thu nhập bình quân 2.000 USD/người/năm. Đất nước trên 100 triệu dân trong tương lai, quy mô thị trường lớn thì không thể bỏ qua việc phát triển công nghiệp ô tô được.”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông khẳng định.
Còn đại diện Tổng Hội cơ khí Việt Nam cho rằng, không nên chia lợi ích doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ. Ở Việt Nam có khoảng 46 nhãn hiệu ô tô được ủy quyền chính hãng, trong đó được sản xuất tại Việt Nam có khoảng 20 nhà sản xuất. Như vậy các nhà nhập khẩu chính hãng khác là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Nhưng không đặt ra vấn đề nhỏ hay không nhỏ, mà tất cả đều được đặt chung trên một mặt bằng, nếu doanh nghiệp nào đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng thì vẫn được quyền kinh doanh.