Chia sẻ tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: "Bước sang năm 2019 tuy kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, song với những cải cách và quyết tâm của Chính phủ, chúng ta có quyền hy vọng vào sự phát triển của nền kinh tế cũng như sự chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng của thị trường chứng khoán".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018 kinh tế thế giới tuy tăng trưởng ở mức cao nhưng diễn biến rất phức tạp. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bốn lần tăng lãi suất, tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn và những diễn biến phức tạp địa chính trị trên thế giới đã tạo nên ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế và thị trường tài chính quốc tế.
Thị trường chứng khoán toàn cầu theo đó đã có những biến động mạnh với xu hướng giảm điểm sâu lan tỏa ra các thị trường chứng khoán vào nửa cuối năm 2018, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam kết thúc năm 2018 với kết quả rất ấn tượng.
Tăng trưởng GDP cả nước đạt 7,08%, mức tăng cao nhất từ năm 2008, lạm phát được kiềm chế thành công ở mức 3,54%. Việt Nam vẫn duy trì xuất siêu, thị trường tài chính ổn định, thu ngân sách nhà nước vượt 7,8%; trong đó, ngân sách Trung ương vượt 4,3% và ngân sách các địa phương vượt 12,5%.Nợ công giữ được mức thấp hơn so với mức Quốc hội đề ra.
Trên thị trường chứng khoán, mặc dù chỉ số VN - Index ghi nhận mức giảm 9,3% theo xu thế chung của thị trường chứng khoán quốc tế, nhưng quy mô và thanh khoản thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017, đạt 77,6% năm 2017 và tương đương với 70,2% so với GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu 70% GDP đề ra tại chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam 2011 - 2020.
Giá trị giao dịch trái phiếu bình quân đạt 6.500 tỷ đồng/phiên, tăng 29% so với năm 2017. Trên thị trường trái phiếu, giá trị niêm yết đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng tăng 10,5% so với năm 2017, đạt 22,4% GDP năm 2017 và tương đương 20,3% năm 2018.
Giao dịch trái phiếu về cơ bản vẫn giữ được mức sôi động với giá trị đạt 8.834 tỷ đồng/phiên. Thị trường chứng khoán phái sinh mặc dù mới ra đời hơn một năm với một sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lại chỉ số VN30 nhưng đã khẳng định được vai trò và phát triển vượt bậc. Khối lượng bình quân đạt 78.800 hợp đồng/phiên, tăng gần 7 lần so với năm 2017. Đặc biệt, vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán vẫn đạt 2,8 tỷ USD, giá trị danh mục nhà đầu tư nước ngoài đạt 32,8 tỷ USD.
Năm 2018 cũng ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các doanh nghiệp. Trong 9 tháng, các doanh nghiệp niêm yết có doanh thu tăng 20,5 %, lợi nhuận tăng 24,9%. Các công ty chứng khoán cũng có lợi nhuận sau thế tăng 40% so với cùng kỳ năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục là kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế; trong đó, huy động trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đạt 192.000 tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đạt 12,55 năm, mức dài nhất từ trước đến nay, đáp ứng được nhu cầu đầu tư công và cơ cấu lại nợ công của Chính phủ.
Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đạt 62,2 nghìn tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2017.
Với những thành công đó, Bộ trưởng cho rằng, thị trường chứng khoán không những tiếp tục khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ mà còn là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân để phục vụ cho nhu cầu đầu tư và phát triển kinh tế. Bộ trưởng cho biết, năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn.
"Bước sang năm 2019, tuy kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, song với những cải cách và quyết tâm của Chính phủ, chúng ta có quyền hy vọng vào sự phát triển của nền kinh tế cũng như sự chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng của thị trường chứng khoán." Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tài chính sẽ tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ bao gồm: tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách với trọng tâm là thông qua luật chứng khoán sửa đổi và các văn bản hướng dẫn. Từ đó, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trong huy động vốn nâng cao tính công khai minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Cùng đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán với trọng tâm là nâng cao năng lực và lành mạnh hóa các tổ chức trung gian.
Ngoài ra, thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm từng bước chuyên nghiệp hơn các thị trường trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh, hợp đồng tương lai trên 1 số chỉ số mới và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, triển khai sản phẩm Chứng quyền có đảm bảo tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Song song với đó, thúc đẩy, triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi.
Bộ Tài chính sẽ nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp lý, nghiên cứu trình Chính phủ hệ thống giải pháp đồng bộ để phát triển thị trường chứng khoán theo chiều rộng và chiều sâu nhằm tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, bảo vệ lợi ích chính đáng của công chúng đầu tư; chỉ đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan không ngừng hoàn thiện các cơ chế hoạt động của thị trường chứng khoán hiện đại, minh bạch.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, năm 2019, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều cơ hội phát triển. Ủy ban chứng khoán Nhà nước tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và sẽ triển khai trong các chương trình làm việc cụ thể để bảo đảm năm 2019, hòa chung vào không khí vui tươi phấn khởi của đà phát triển kinh tế đất nước thì thị trường chứng khoán sẽ có một năm phát triển bền vững và thành công.