Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (6/5), giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,35 – 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,4 - 67,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tuần qua, thị trường vàng trong nước bắt đầu giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Sáng 4/5, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, cùng với đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tăng 150 nghìn đồng/lượng.
Tuy vậy, đà tăng không giữ được lâu khi sáng 5/5, giá vàng thế giới tăng mạnh còn giá vàng trong nước diễn biến trái chiều, và sau đó đồng loạt giảm vào phiên cuối tuần.
Trước đó, giá vàng thế giới cũng giảm trong phiên 5/5, sau khi báo cáo việc làm của Mỹ vượt dự báo đã làm giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất. Giá vàng giao ngay giảm 1,7%, xuống 2.015,33 USD/ounce trong phiên 5/5, nhưng tăng 1,3% trong cả tuần.
Giá vàng kỳ hạn chốt phiên cuối tuần giảm 1,5%, xuống 2.024,8 USD/ounce. Giá vàng giảm khi báo cáo cho thấy các công ty Mỹ tăng cường tuyển dụng trong tháng 4, trong khi lương tăng.
Một yếu tố tác động bất lợi đến giá vàng là lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng sau khi báo cáo việc làm của Mỹ được công bố, từ đó làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Nhà giao dịch kim loại quý Alexander Zumpfe tại Công ty Công nghệ liên quan tới sản xuất kim loại Heraeus cho rằng, nếu có thêm số liệu cho thấy kinh tế Mỹ giảm tốc và lãi suất sẽ hạ trong trung và dài hạn, giá vàng có thể sẽ tăng. Ngược lại, các số liệu kinh tế tích cực sẽ gây sức ép lên kim loại quý này.
Thị trường cũng hướng sự chú ý đến tình hình lĩnh vực ngân hàng của Mỹ và vấn đề trần nợ. Nền kinh tế không chắc chắn và lãi suất giảm sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với vàng.