Các mặt hàng này không chỉ còn được bày bán tại những cửa hàng chuyên trái nhập khẩu mà tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi bán lẻ, thậm chí chợ dân sinh… cũng rất dễ nhận ra sự đa dạng, phong phú của các loại trái cây nhập ngoại. Điều này giúp người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn.
Thị trường hoa quả nhập khẩu không chỉ có các loại mùa vụ như mận, táo, lê, dưa vàng, lựu, nho và quýt… từ Trung Quốc, mà các loại trái cây như táo, lê, nho đen, nho xanh, cherry, kiwi, việt quất... từ các thị trường Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nam Phi, New Zealand... cũng đã khá phổ biến để phục vụ cho tiêu dùng trong nước.
Không chỉ đa dạng sản phẩm, giá các loại trái cây nhập khẩu cũng khá rẻ so với những năm trước. Tại một số siêu thị lớn tại Hà Nội, điển hình như sản phẩm táo từ New Zealand, Mỹ, Pháp… có giá từ 40.000 – trên 200.000 đồng/kg tùy loại; lê Nam Phi từ 60.000 đồng/kg, kiwi từ 140.000 đồng/kg, cam giá từ 60.000 đồng/kg, cherry khoảng 300.000 đồng/kg, việt quất khoảng 600.000 đồng/kg…
Chị Lê Hòa, ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, thời gian gần đây chị hay đi siêu thị mua các loại trái cây nhập khẩu. Bởi giá các loại trái cây nhập khẩu nhiều và cũng phù hợp túi tiền. Chẳng hạn như táo, có loại thời điểm chỉ từ 40.000 – 60.000 đồng/kg, chị hay mua về làm nước ép. Về sản phẩm chị thấy ngoài thông tin được nhập khẩu trực tiếp, sản phẩm cũng ghi rõ ràng nhà nhập khẩu, phân phối nên chị cũng yên tâm về chất lượng.
Về vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm nhập khẩu, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, được thực hiện theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm.
Đối với hoa quả nhập khẩu, trước khi thông quan, đơn vị chức năng trong quá trình lấy mẫu kiểm dịch sẽ đi kèm với lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm. Khi sản phẩm đảm bảo yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm mới được lưu thông, phân phối.
Về giá cả, ông Nguyễn Quý Dương cho rằng, giá do thị trường. Giá bán trên thị trường do doanh nghiệp từ đưa ra. Cùng một loại quả, nhập khẩu ở thị trường khác nhau cũng có giá khác nhau. Bên cạnh đó, giá cả còn phụ thuộc vào nhu cầu, sức mua, sự ưa thích của người tiêu dùng.
Điển hình là mặt hàng táo, đây là sản phẩm có nhiều nước trồng được. Các nước sản xuất thường có công nghệ bảo quản rất tốt nên có thể cung cấp cho thị trường thường xuyên. Bên cạnh đó, trong nhập khẩu, các thị trường cung cấp dường như gối đầu nhau nên đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường có nguồn cung dồn dào.
Việc trái cây nói riêng cũng như nhiều nông sản khác nói chung ngày càng hiện diện phổ biến ở Việt Nam là kết quả tất yếu của việc mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại; trong đó có những ưu đãi về thuế quan. Khi thuế nhập khẩu giảm cũng sẽ tác động đến việc nhập khẩu tăng lên. Do đó, các thị trường khi có ưu đãi sẽ xuất khẩu tốt hơn.
Chẳng hạn như với Hiệp định thành lập Khu vực tự do thương mại ASEAN - Austrlia – Newzeland (AANZFTA), các hầu hết các sản phẩm trái cây như táo, nho, mận, kiwi, lê, việt quất… có thuế suất nhập khẩu vào Việt Nam là 0%. Trong khi đó, đây cũng là khối thị trường có nhiều sản phẩm trái cây như táo, lê, nho đen, nho xanh, cherry, kiwi... mà các nước láng giềng Việt Nam không có hoặc khác loại nên cũng dễ dàng chinh phục thị trường trong nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 7 tháng năm 2019 đạt 1,14 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, mặt hàng rau ước đạt 313 triệu USD, tăng 22,6% và mặt hàng quả đạt 778 triệu USD, tăng 18,4%.
Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2019 là Thái Lan (chiếm 40,3% thị phần), Trung Quốc (21,8%), Mỹ (11,5%), Australia (7,7%)…
Việt Nam nhập khẩu rau quả từ Thái Lan chủ yếu các loại như: xoài, chôm chôm, thanh long, mít, sầu riêng, nhãn… chủ yếu phục vụ cho tái xuất khẩu. Trong khi đó, nhập từ Trung Quốc chủ yếu là các loại rau: bắp cải, cà rốt, su hào, súp lơ, khoai tây; các loại hoa quả đầu mùa.