Theo báo cáo, tổng tài sản của ABBank đạt 113.766 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.556 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 78,9% kế hoạch năm.
ABBank tiếp tục tăng trưởng về mức thu phí dịch vụ tính đến hết tháng 9/2021 khi đạt 359 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên do ngân hàng tập trung hóa vận hành, thẩm định tín dụng, tập trung hóa kho quỹ gắn với ứng dụng công nghệ, trả lương theo năng suất lao động gắn với hiệu quả kinh doanh, thu nhập lãi thuần đã tăng 30% (đạt 2.176 tỷ đồng); đồng thời tiết giảm 3% chi phí so với cùng kỳ năm trước với mức chi 1.214 tỷ đồng.
Ông Lê Hải, Tổng Giám đốc ABBank nhận định: “Kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay khó khăn hơn nhiều so với điều kiện bình thường, khi phải vừa cân đối giữa hiệu quả kinh doanh cũng như sự phát triển của tổ chức với trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng và chia sẻ gánh nặng cùng khách hàng”.
Mặc dù thu nhập từ dịch vụ quý III/2021 bị ảnh hưởng do các hoạt động kinh tế giảm sút và các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nhưng thu nhập lãi thuần của Techcombank tiếp tục tăng trưởng nhờ khả năng đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế và lợi thế chi phí vốn thấp.
Trong 9 tháng năm nay, Techcombank đã thu hút thêm khoảng 870.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 9,2 triệu. Đặc biệt, khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong 9 tháng năm 2021 lần lượt đạt 456 triệu giao dịch (tăng 78,1% so với cùng kỳ năm ngoái) và 6,3 triệu tỷ đồng, tăng 91,0% so với cùng kỳ năm ngoái. “Chúng tôi tin rằng, với nỗ lực đẩy mạnh tiêm chủng tại các trung tâm kinh tế, sản xuất trên cả nước bao gồm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch”, Tổng Giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner cho biết.
Theo chia sẻ mới nhất của MSB, tính đến hết ngày 30/9, tổng tài sản của riêng MSB đạt hơn 195.000 tỷ, tăng hơn 10,5% so với đầu năm, vượt kế hoạch 190.000 tỷ đồng tổng tài sản hợp nhất của cả năm 2021. “Nhờ dịch vụ ngân hàng điện tử được đẩy mạnh trong giai đoạn dịch bệnh, kết hợp nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn và hầu hết đều miễn phí nên tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của MSB tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý III/2021, với 29.254 tỷ, chiếm tỷ lệ 31,09% trên tổng tiền gửi và ký quỹ, nằm trong top cao trên thị trường”, đại diện MSB cho biết.
Đại diện SeABank cho biết, tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức 35,35%, theo đó thu thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 181%, các dịch vụ ngân hàng điện tử tăng tốc với số lượng người dùng mở ebank mới tăng 130% và số giao dịch trực tuyến tăng 191% so với cùng kỳ 2020.
Ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ, biên độ tăng có phần ấn tượng hơn, một phần do mức nền thấp của năm trước. NCB và KienLongBank cùng ghi nhận mức tăng trưởng tính bằng lần trong 9 tháng năm 2021. Trong đó, lợi nhuận của NCB từ đầu năm đạt hơn 200 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ năm trước. Riêng quý 3/2021, ngân hàng này báo lãi gần 80 tỷ đồng, gấp 16 lần quý 3/2020. Đóng góp cho mức tăng trưởng ấn tượng của NCB chủ yếu là mức nền lợi nhuận thấp của những năm trước.
Trong 9 tháng năm nay, thu nhập lãi thuần chính của ngân hàng, tăng hơn 30%, giúp lợi nhuận thuần từ kinh doanh đạt hơn 530 tỷ đồng, tăng gần 45%. Việc trích lập các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc của NCB giảm mạnh, riêng quý III/2021 không còn ghi nhận, song, chi phí dự phòng rủi ro lại tăng lên tương ứng. Tổng mức trích lập trong 9 tháng năm 2021 đạt hơn 320 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ.
Với KienLongBank, lần đầu tiên ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận gần chạm tới nghìn tỷ đồng trong 3 quý năm 2021, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng năm nay, thu thập lãi thuần đến từ hoạt động tín dụng của KienLongBank tăng hơn 90% so với cùng kỳ lên gần 1.520 tỷ đồng dù ngân hàng này gần như không tăng trưởng tín dụng. Theo đó, mức tăng lãi thuần do tỷ trọng dư nợ vay có sự điều chỉnh, tăng cho vay xây dựng và cho vay bất động sản.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú, đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.
Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 92021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.
Theo báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý 4/2021 do NHNN vừa thực hiện, lợi nhuận trước thuế cùng các kết quả hoạt động kinh doanh có chiều hướng suy giảm so với quý trước. Đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận của các ngân hàng được dự báo giảm kể từ khi bắt đầu khảo sát vào năm 2014.
Theo đó, có 40,6% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý 4/2021 sẽ tăng trưởng so với quý 3/2021. Gần 60% TCTD cho rằng, kết quả kinh doanh quý 4 sẽ không tăng so với quý 3. Đối với kết quả cả năm 2021, có 83,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trưởng, 3% kỳ vọng không đổi, 13,3% lo ngại lợi nhuận giảm (cao hơn ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6 vừa qua là 9,7%). Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được kỳ vọng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý 4 và giảm đáng kể tính đến cuối năm 2021 so với cuối năm 2020.