Cũng chính vì sự lớn mạnh và nhiều doanh nghiệp như vậy, khi dịch bệnh ập đến bất ngờ, dẫn tới sự bị động trong phương án sản xuất kinh doanh, dẫn tới nhiều doanh nghiệp lao đao phá sản, giải thể. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có hướng đi tốt cũng chỉ đạt được ở mức cầm chừng trung bình và khá đã là một thành công. Trước những khó khăn này, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.
Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Bình Thuận từ xưởng cơ khí nhỏ, hoạt động dựa trên máy móc thiết bị cũ. Mặc dù trong dịch bệnh, nhưng công ty vẫn chủ động xác định được đây là thời điểm vàng để đổi mới và tái cấu trúc với đa dạng sản phẩm cho các ngành hàng phục vụ công, nông, ngư nghiệp, gia công cho các đối tác lớn. Đây là đơn vị được cấp phép nhập và sản xuất sản phẩm tái chế sản phẩm từ nhựa (với công suất 12.000 tấn/năm), vẫn duy trì được hoạt động trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Trong năm 2021, Nhựa Bình Thuận xác định đảm bảo sự ổn định cấu trúc sản phẩm hiện có, tập trung nguồn lực để đẩy mạnh trở thành nhà cung cấp các sản phẩm Pallet nhựa hàng đầu miền Bắc.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Bình Thuận (Hai Bà Trưng – Hà Nội) nêu cao quyết tâm, không phải vì dịch bệnh mà kêu khó, không hành động mà đứng chờ thời cuộc. Công ty đã có rất nhiều giải pháp, biện pháp gắn liền với sản xuất trong dịch bệnh. Với cấu trúc hoạt động các nhà máy, việc phải đảm bảo đơn hàng cho thị trường, vừa đảm bảo sự ổn định của cán bộ công nhân viên là hai yếu tố sống còn. Công ty đã thực hiện rất nghiêm việc khai báo y tế và quy định phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, công ty ủng hộ tích cực cho quỹ vaccine của các tỉnh, thành phố có nhà máy đóng quân; qua đó giúp cho việc 100% cán bộ, công nhân viên được tạo điều kiện tiêm vaccine mũi 1 và hơn 60% đã tiêm mũi 2. Công ty chú trọng trích các chi phí phát sinh như tăng cường khẩu phần ăn, tạo sự yên tâm cho cán bộ; chi phí xét nghiệm cho đội ngũ vận chuyển xe “luồng xanh” đảm bảo uy tín trong giao, nhận hàng trên cả nước..
Ông Lê Văn Quang nhấn mạnh, trong sản xuất kinh doanh, phải có phương án tốt thì mới huy động được nguồn vốn đóng góp cổ phần, vì việc chủ động tài chính là hết sức cần thiết. Đặc thù cấu trúc ở lĩnh vực sản xuất, nên được sự giúp đỡ của các tổ chức tín dụng là rất cần thiết và thực tế công ty được hưởng các chính sách phù hợp như giảm lãi suất (trung bình 1%). Vì vậy, hoạt động của công ty được đảm bảo trong dịch bệnh, doanh thu vẫn đạt theo năng lực sản xuất, trung bình đạt 65-70 tỷ đồng/tháng. Đây là con số rất tốt nếu so sánh với kỳ vọng đạt được là 105-120 tỷ đồng/tháng khi không có dịch bệnh.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, riêng tháng 9/2021, trên địa bàn thành phố có 922 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, giảm 31%; thực hiện thủ tục giải thể cho 78 doanh nghiệp, giảm 65%; 662 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, giảm 30%; 1.003 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 161%.
Tính chung cả 9/2021, Hà Nội có 17,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký đạt 232,3 nghìn tỷ đồng, giảm 10%; thực hiện thủ tục giải thể hơn 2,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 22%; có 9,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 12%; 8,3 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 77%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Theo kết quả điều tra của ngành chức năng, xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3 cho thấy, có 5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 3 tốt hơn quý 2; Có 76,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 18,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Nếu những tháng tiếp theo tình hình dịch COVID-19 được khống chế, có 37,6% số doanh nghiệp dự kiến quý IV sẽ tốt lên so với quý III; Có 36,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 26,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định; trong đó, 65,9% số doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý III; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước cho thấy lần lượt là 58,1% và 50%.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng duy trì bộ phận thường trực, đường dây nóng tiếp nhận các thông tin phản ánh của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, đồng thời chủ động xử lý khó khăn, vướng mắc và thông tin về chương trình, chính sách tín dụng, các giải pháp của ngành ngân hàng tới doanh nghiệp và người dân.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo các văn bản của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội; tiếp tục triển khai quyết liệt các chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định, xem xét cho khách hàng vay mới, vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm phí các dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 57,7 nghìn khách hàng với dư nợ 74,9 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 189 nghìn khách hàng với dư nợ 334,8 nghìn tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 1.159 nghìn tỷ đồng đối với hơn 102,6 nghìn lượt khách hàng.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của Ngân hàng nhà nước và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 2.410 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 9,4% so với thời điểm kết thúc năm 2020, trong đó dư nợ cho vay đạt 2.195 nghìn tỷ đồng, chiếm 91% trong tổng dư nợ, tăng 1,1% và tăng 10,4%.
Theo kỳ hạn, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 978 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 11,2% so với thời điểm kết thúc năm 2020; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.432 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% và tăng 8,1%. Hiện các tổ chức tín dụng tích cực nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề trước khi phát sinh tình trạng nợ xấu.