Đó là nội dung mới nhất của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/1. So với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đều tăng giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,29%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,47%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,92%; giao thông tăng 0,69%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,65%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,25%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,17%; giáo dục tăng 0,02%; riêng bưu chính viễn thông giảm 0,03%.
Theo Tổng cục Thống kê, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán tăng cao hơn tháng trước, trong đó nhóm thực phẩm tăng cao nhất ở mức 2,6%, làm CPI chung tăng 0,59%.
Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng khá cao 2,6% so với tháng trước, hầu hết các mặt hàng trong nhóm thực phẩm đều tăng do nhu cầu Tết Nguyên Đán tăng, cụ thể: Trong những ngày đầu tháng 1/2020 giá thịt lợn giảm 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg so với tháng trước do bệnh dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương đã được kiểm soát cùng với nguồn cung thịt lợn được đảm bảo sau khi Chính phủ chỉ đạo sát sao, các bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt.
Tuy nhiên, đến những này cận Tết, giá thịt lợn tăng cao do nhu cầu sử dụng để sản xuất các loại thực phẩm chế biến phục vụ Tết của người dân tăng. Tại các chợ truyền thống, giá thịt ba chỉ khoảng 150.000 - 170.000 đồng/kg, giá sườn khoảng 150.000 -180.000 đồng/kg, giá thịt mông sấn khoảng 135.000 - 150.000 đồng/kg, giá thịt nạc thăn khoảng 140.000 - 155.000 đồng/kg. Tại các siêu thị, giá thịt ba chỉ khoảng 180.000 đồng/kg - 220.000 đồng/kg, giá sườn khoảng 180.000 đồng/kg -235.000 đồng /kg, giá thịt nạc thăn 145.000 - 160.000 đồng/kg. Bình quân chung, giá thịt lợn tháng 1/2020 tăng 8,29% so với tháng trước.
Giá thịt gia cầm tươi sống tăng 2,84% do nhu cầu của người dân tiêu dùng để lễ ông Công, ông Táo và chuẩn bị đến Tết Nguyên Đán nên giá gà ta tăng từ 5.000 - 20.000 đồng/kg. Giá thủy sản tươi sống tăng 1,71% do nhu cầu tiêu dùng tăng. So với tháng trước, cá tươi tăng 1,25%, tôm tươi tăng 2,79%; thủy hải sản chế biến tăng 3,22%; trứng gia cầm các loại tăng 2,28% do nhu cầu về nguyên liệu để làm bánh trong dịp Tết tăng; giá bánh mứt kẹo, chè búp khô tăng từ 0,6% đến 1,78%; giá quả tươi tăng 2,9%, đặc biệt chuối tăng 4,04%, thanh long tăng 3,63%, xoài tăng 2,08%.
Riêng giá rau tươi giảm 2,41% so với tháng trước do thời tiết tương đối thuận lợi nên rau phát triển tốt, lượng rau cung cấp ra thị trường khá dồi dào, không xảy ra tình trạng khan hiếm, bình quân tháng 1/2020 nhiều loại rau giảm giá như: bắp cải, xu hào, cà chua, khoai tây giảm từ 5 - 9%.
Giá xăng, dầu tăng ngày 31/12/2019 và giảm vào ngày 16/1/2020, bình quân tháng 1/2020 giá xăng dầu tăng 1,29% so với tháng trước làm CPI chung tăng khoảng 0,05%. Giá vé ô tô khách tăng 1,82% do một số đơn vị kê khai tăng giá vé chiều đông khách (trước Tết chiều từ Nam ra Bắc, từ thành phố về nông thôn và sau Tết là chiều ngược lại) từ 20 - 40% so với giá vé ngày thường nhằm bù đắp phần chi phí cho phương tiện chạy chiều vắng khách.
Giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,42% do nhu cầu sửa chữa cuối năm tăng. Giá vé tàu hỏa tăng 25,88% do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé đối với tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội vào những ngày trước Tết Nguyên Đán. Từ ngày mùng 3 Tết (tức ngày 27/1) giá vé tàu hỏa tăng đối với tuyến Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh. Nhu cầu đi lại và bảo dưỡng phương tiện cuối năm tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng và bảo dưỡng phương tiện lần lượt tăng 1,78% và 0,42% so với tháng trước.
Giá xăng, dầu điều chỉnh tăng ngày 31/12/2019 và giảm vào ngày 16/1/2020, bình quân tháng 1/2020 giá xăng dầu tăng 1,29% so với tháng trước làm CPI chung tăng khoảng 0,05%. Giá gas thế giới tháng 1/2020 tăng từ mức 447,5 USD/tấn lên mức 577,5 USD/tấn tăng 130 USD/tấn, theo đó, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 48.000 đồng/bình 12 kg, tăng 14,08% so với tháng 12/2019, làm CPI chung tăng 0,17%.
Tuy nhiên đại diện Tổng cục Thống kê cho biết: Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, còn có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 1/2020 như: Thời tiết ở các tỉnh phía Bắc chuyển lạnh nên nhu cầu tiêu dùng điện giảm làm cho giá điện sinh hoạt giảm 0,38%. Để kích thích nhu cầu tiêu dùng cũng như nhằm thu hồi vốn, trong những ngày giáp Tết, các doanh nghiệp đã giảm giá các mặt hàng điện tử như: Giá ti vi giảm 0,28%; đầu DVD giảm 0,37%; máy giặt giảm 0,29%; điện thoại di động giảm 0,17%.
Một số loại rau tươi đang vào vụ thu hoạch rộ, nguồn cung dồi dào nên giá giảm như: bắp cải giảm 7,32%, su hào giảm 7,53%; cà chua giảm 8,54%, khoai tây giảm 4,01%, đỗ quả giảm 5,11%.
Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng chủ yếu ở mặt hàng dịch vụ cá nhân như cắt tóc, gội đầu, uốn tóc tăng 3,3% so với tháng trước. Giá vàng trang sức tăng 3,31% do nhu cầu mua đồ trang sức vào dịp Tết tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu về các đồ thờ cúng tăng nên giá các mặt hàng này tăng 0,45% so với tháng trước.