Tuy nhiên, tiền đổ vào chứng khoán trong phiên ngày 13/10 thấp kỷ lục, giảm 2.500 tỷ đồng so với phiên trước. Đây là phiên có giá trị thấp nhất kể từ tháng 11/2020 đến nay và chưa bằng 1/4 phiên giao dịch cao nhất trong năm nay.
Kết thúc phiên chiều 13/10, VN Index đã tăng số điểm tăng khá ấn tượng là 16,18 điểm, tương đương 1,56%, lên 1.051 điểm. Toàn sàn HoSE có 265 mã tăng, 74 mã giảm và 183 mã đứng giá tham chiếu. Dù số mã tăng lớn nhưng có hiện tượng đặc biệt là số mã giảm sàn nhiều hơn số mã tăng trần, với 17 mã so với 6 mã.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng khởi sắc đang nằm trong rổ VN30 như: VCB, ACB, STB, TCB, BID, CTG… Đặc biệt là mã ACB có thời điểm chạm giá trần, trước khi đóng cửa +6,7% lên 19.950 đồng/cổ phiếu và cũng là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm VN30; BID +6,6% lên 32.450 đồng/cổ phiếu; CTG +5,9% lên 22.400 đồng/cổ phiếu; STB +4,1% lên 17.650 đồng/cổ phiếu; VCB +3,9% lên 66.500 đồng/cổ phiếu; TCB +2% lên 25.300 đồng/cổ phiếu; MBB +1,4%, TPB và VIB tăng nhẹ, trong khi HDB và VPB về tham chiếu.
Kế đến là nhóm cổ phiếu có vốn hoá lớn như: HPG, SAB, BVH, GAS, VNM, VRE. Tuy nhiên, thanh khoản tiếp tục là điểm trừ của thị trường khi rơi xuống mức thấp nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây. Theo đó, chỉ có hơn 477 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên, tương đương giá trị giao dịch đạt vừa tròn 8.900 tỷ đồng. Các bluechip khác đáng chú ý khác là VRE +5,8% lên 24.600 đồng, HPG +4,3% lên 19.500 đồng, SAB +3,5% lên 190.000 đồng, VNM +3,1% lên 73.800 đồng.
Trên sàn HoSE, 3/5 cổ phiếu đứng đầu về thanh khoản thuộc nhóm này gồm: TCB, STB, SSI với mức khớp lệnh dao động 220 - 280 tỷ đồng. Các nhóm khác như: Bất động sản, công nghiệp, nguyên vật liệu, tiêu dùng thiết yếu không hút mạnh dòng tiền dù nhiều cổ phiếu trụ hồi phục mạnh.
Sau chuỗi phiên giảm điểm sâu do tác động của nhiều thông tin không tích cực, mặt bằng giá cổ phiếu đã xuống mức rất thấp. Mặc dù hiện rất khó để dự báo cho xu hướng của thị trường ngắn hạn nhưng nhiều chuyên gia đang kỳ vọng các thông tin về kết quả kinh doanh (KQKD) quý III/2022 sẽ nhen nhóm cho việc thu hút dòng tiền trở lại thị trường.
Theo các chuyên gia kinh tế, GDP quý III/2022 đã tăng trưởng cao hơn 13% so với nền thấp của quý III/2021, điều này cho thấy kinh tế Việt Nam cũng đang hồi phục tích cực. Trong điều kiện đó, nhiều khả năng là KQKD quý III/2022 của doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng cũng sẽ hồi phục tốt so với cùng kỳ.
So sánh tương quan của một số thị trường trên thế giới và khu vực, hiện tại, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý và dự báo sẽ góp phần thu hút dòng tiền tham khi các rủi ro ngắn hạn dịu bớt. “Chúng ta có thể kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp niêm yết quý III/2022 vẫn ở mức trên 25%. Với việc thị trường đã giảm sâu và mùa báo cáo KQKD sắp tới đã cận kề thì rất có thể KQKD quý III sẽ là một trong những nhân tố quan trọng để thu hút dòng tiền trở lại thị trường. Trong điều kiện mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm sâu, nhiều cổ phiếu đã về vùng định giá hấp dẫn thì sẽ có nhiều cơ hội xuất hiện trong đầu tư trung và dài hạn”, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho biết.
Ông Đỗ Bảo Ngọc dự báo: Những nhóm ngành duy trì được sự ổn định, ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý III và 9 tháng năm 2022; đồng thời đã có mức chiết khấu giá đủ sâu sẽ là điểm đến của dòng tiền trong giai đoạn sắp tới, như: Công nghệ, điện, hóa chất, thực phẩm, ngân hàng và bán lẻ…