Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) cho rằng, việc thiếu hụt dòng tiền và các diễn biến khó lường của thị trường quốc tế đóng góp vào sự thiếu hiệu quả hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này nhận định, đây là các yếu tố ngắn hạn và sẽ được cải thiện trong thời gian tới, đặc biệt là sau các cuộc bầu cử tại Mỹ hay Nhật Bản trong tháng 11.
Chốt phiên giao dịch hôm nay (4/11), VN-Index giảm 10,18 điểm xuống 1.244,71 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 709,6 triệu đơn vị, tương ứng trên 15.854 tỷ đồng. Toàn sàn có 93 mã tăng giá, 287 mã giảm giá và 59 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,96 điểm xuống 224,45 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 47 triệu đơn vị, tương ứng gần 795 tỷ đồng. Toàn sàn có 48 mã tăng giá, 102 mã giảm giá và 59 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,35 điểm xuống 91,61 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 30,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 360 tỷ đồng. Toàn sàn có 116 mã tăng giá, 153 mãm giảm giá và 87 mã đứng giá.
Rổ cổ phiếu VN30 có tới 23 mã giảm giá, 5 mã tăng giá và 2 mã đứng giá. Các mã giảm mạnh như TPB giảm 2,93%, GVR giảm 2,32%, VPB giảm 2,23%, HDB giảm 1,88%, VIB giảm 1,86%, VCB giảm 1,07%, TCB giảm 1,05%. Các mã trụ cột đầu ngành khác như MSN, MWG, PLX, POW đều có mức giảm hơn 1%.
Có thể nhận thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng là nguyên nhân chính kéo chỉ số lùi sâu dưới tham chiếu. Trong nhóm ngân hàng chỉ còn duy nhất CTG giữ được sắc xanh. KLB và PGB may mắn đứng ở tham chiếu. Tất cả các mã cổ phiếu ngân hàng còn lại đều ở chiều giảm giá.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chỉ còn PTV tăng giá. Các mã còn lại đều ở chiều giá đỏ. Hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.
Thị trường giảm sâu một phần nguyên nhân cũng đến từ việc khối ngoại bán ròng mạnh. Hôm nay, khối ngoại đã bán ròng 685 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, khối ngoại bán ròng 673 tỷ đồng trên HOSE; 10 tỷ đồng trên HNX và 2 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.
Khối ngoại bán ròng mạnh nhất MSN (hơn 253 tỷ đồng). Tiếp đến VHM cũng bị bán ròng 203 tỷ đồng. FPT và VCB bị bán ròng lần lượt là 101 tỷ đồng và 48 tỷ đồng.
Dù thị trường diễn biến không mấy tích cực, nhưng Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) cho rằng, nhìn từ góc độ vĩ mô và chính sách, nền kinh tế Việt Nam đang ở thời điểm rất hấp dẫn do tăng trưởng kinh tế cao, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và quyết tâm mạnh mẽ phát triển thị trường tài chính đến từ Chính phủ và cơ quan quản lý. Việc lạm phát thấp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách khơi thông dòng tiền tại thời điểm phù hợp, tạo thuận lợi cho giao dịch trên thị trường.
Với mức định giá thấp trong lịch sử và các điều kiện thuận lợi của vĩ mô, chính sách, chuyên gia từ Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) tiếp tục khẳng định sự hấp dẫn dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mặc dù vậy, sự thiếu vắng của các nhà đầu tư tổ chức với tầm nhìn và nguồn vốn dài hạn cùng các đánh giá chiều sâu trên thị trường là một điểm bất lợi, dẫn tới việc định giá trong ngắn hạn thấp hơn nhiều so với lịch sử.
Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank, chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra và dự kiến kết thúc vào đầu tháng 11/2024. Kết quả bầu cử có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách và tác động sâu rộng tới nền kinh tế không chỉ Mỹ mà còn lan rộng ra toàn cầu. Ngày 5/11/2024 sẽ là thời điểm bầu cử trước khi có kết quả cuối cùng được tuyên bố trong phiên họp của Quốc Hội lưỡng viện vào 6/1/2025.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhìn nhận, đối với thị trường chứng khoán, trong ngắn hạn, VN-Index sẽ có những phản ứng tích cực khi sự kiện bầu cử kết thúc.
Trong dài hạn, PHS cũng vẫn nghiêng về hướng tích cực nhiều hơn nhờ những lợi thế nội tại mà Việt Nam đang sở hữu. Thị trường trong nước sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các chính sách phù hợp, linh hoạt mà Việt Nam đã duy trì qua nhiều thế hệ. Những yếu tố này tạo nên nền tảng vững chắc cho thị trường phát triển bền vững trong thời gian tới.