Chứng khoán và giá dầu đồng loạt giảm mạnh

Sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây nhiễm nguy hiểm hơn cả biến thể Delta và kháng vaccine mạnh hơn đã khiến thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu đã đồng loạt lao dốc trong ngày 26/11.

Chú thích ảnh
Bảng chỉ số chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Biến thể B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 bị cho là nguyên nhân dẫn đến loạt ca nhiễm mới tại Nam Phi và đang lây lan tại Hong Kong (Trung Quốc). Dự kiến trong ngày 26/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triệu tập phiên họp để quyết định xem liệu có nên xếp loại biến thể này vào danh sách đáng quan ngại hay không. Việc phát hiện ra biến thể mới tại Nam Phi đã khiến các nước Anh, Đức, Italy, Singapore và Israel cấm hành khách tới từ quốc gia này và 5 nước khác ở miền Nam châu Phi nhằm ngăn virus lây lan. Theo WHO, các kết quả phân tích ban đầu cho thấy biến thể này có một lượng lớn đột biến đòi hỏi phải nghiên cứu sâu hơn.

Thời gian qua, thị trường châu Á đã phải chịu nhiều áp lực khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) siết chặt chính sách tiền tệ để kìm hãm đà tăng của lạm phát. Thông tin về biến thể mới càng khiến các thị trường châu Á rung lắc mạnh. Trong ngày 26/11, chứng khoán tại các sàn giao dịch ở Tokyo (Nhật Bản), Hong Kong (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ) đều sụt giảm hơn 2%, trong khi mức giảm tại Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc), Singapore, Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines), Wellington (New Zealand) và Jakarta (Indonesia) là hơn 1%.

Tương tự, mở cửa phiên giao dịch ngày 26/11, các thị trường chứng khoán châu Âu lập tức chìm trong sắc đỏ. Nhiều khả năng đây sẽ là phiên giao dịch tồi tệ nhất trong hơn 4 năm qua của khu vực này. Cụ thể, chỉ số STOXX 600 của châu Âu đã giảm 2,5%. Chỉ số CAC tại Pháp đã giảm 3,3%, trong khi chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2,6%. Chỉ số DAX (Đức) và IBEX (Tây Ban Nha) cũng lần lượt giảm ở mức 2,7% và 3,4%.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi các nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ chính phủ áp đặt những biện pháp hạn chế mới. Cụ thể, cổ phiếu của hãng hàng không Qantas đã mất 5% giá trị, trong khi con số này của Cathay Pacific và Singapore Airlines lần lượt là 4,1% và hơn 3%.

Cùng chung xu hướng trên, giá dầu Brent và WTI đều giảm ở mức hơn 4% do gia tăng lo ngại rằng các biện pháp hạn chế mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thị trường. Trước những diễn biến mới, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất quan trọng khác dự kiến sẽ nhóm họp trong tuần tới để thảo luận về kế hoạch điều chỉnh sản lượng. 

Cùng ngày, giá bitcoin đã giảm gần 8% sau khi phát hiện về biến thể mới tại Nam Phi khiến các nhà đầu tư chủ trương bán bớt tài sản nhiều rủi ro, tìm tới các kênh trú ẩn an toàn hơn như trái phiếu, đồng yen và đồng USD. Cụ thể, giá của bitcoin - đồng tiền kỹ thuật số giá trị nhất hiện nay- đã giảm 7,8% xuống còn 54.377 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 12/10 vừa qua. Trong khi đó, giá vàng trên thị trường thế giới ghi nhận mức tăng 0,7% lên 1.800 USD/ounce. 

Đặng Ánh (TTXVN)
Chứng khoán thế giới chạy ngược chiều phiên 24/11
Chứng khoán thế giới chạy ngược chiều phiên 24/11

Thị trường chứng khoán thế giới biến động ngược chiều nhau trong phiên 24/11, trong đó chứng khoán Phố Wall phần lớn tăng và đồng USD mạnh lên theo sau một loạt số liệu kinh tế trước đợt nghỉ lễ cuối tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN