Diễn biến đó làm dấy lên suy đoán rằng các ngân hàng trung ương sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn để kiềm chế lạm phát tăng vọt.
Chiều 22/11, chứng khoán Nhật Bản đã đảo ngược đà giảm đầu phiên để kết thúc với mức tăng khiêm tốn vào thứ Hai, khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước kỳ nghỉ lễ ở nước này. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo nhích 0,09% (tương đương 28,24 điểm) lên kết thúc ở mức 29.774,11 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng đi lên phiên chiều 22/11 nhờ nhóm cổ phiếu của các công ty lớn chuyên về sản xuất chip như Samsung Electronics đi lên mạnh mẽ. Chỉ số Kospi tại Seoul tăng 1,42% (42,23 điểm) và đóng cửa ở mức 3.013,25 điểm.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán ở Trung Quốc chứng kiến sự phân hóa tương tự như chứng khoán khu vực, với thị trường Hong Kong kết thúc trong sắc đỏ. Cụ thể, chỉ số Hang Seng để mất 0,39% (98,63 điểm) xuống 24.951,34 điểm.
Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite tại thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,61% (21,71 điểm) lên 3.5582,08 điểm khi các nhà phân tích suy đoán rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) có thể đưa ra một số biện pháp nới lỏng để khởi động tăng trưởng ở nền kinh tế số hai thế giới, bất chấp giá cả trong nước tăng vọt.
Chứng khoán Singapore, Manila và Bangkok trong vùng tăng điểm. Ở chiều ngược lại, Sydney, Wellington, Taipei, Manila và Mumbai đi xuống.
Yếu tố chính tác động đến thị trường trong phiên này là tình hình dịch COVID-19 tại châu Âu. Chính phủ Áo mới đây cho biết nước này sẽ tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội và bắt buộc tiêm phòng từ tháng 2/2022 để chống lại sự gia tăng đáng lo ngại số ca mắc COVID-19 mới. Các quốc gia châu Âu khác, bao gồm Đức, Slovakia, Cộng hòa Czech và Bỉ cũng đang áp dụng những biện pháp tương tự.
Những thông báo đó đã làm không khí trên các sàn giao dịch trùng xuống, khi giới đầu tư nhận định các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thu hẹp các chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng được áp dụng khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Những chính sách này vốn đóng vai trò quan trọng đối với sự phục hồi toàn cầu.
Một cơ sở cho nỗi lo của thị trường là việc các quan chức hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây cho biết họ muốn kết thúc chương trình mua trái phiếu quy mô lớn nhanh hơn so với thời điểm dự kiến trước đó. Mục tiêu là để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong ba thập kỷ.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 22/11, chỉ số VN - Index giảm 0,35% (5,1 điểm) xuống 1.447,25 điểm. Chỉ số HNX - Index giảm 9,35 điểm (2,06%) xuống 444,62 điểm.