Điều chỉnh giảm để tích lũy
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, VN-Index trải qua một tuần giao dịch với nhiều diễn biến giằng co. Cụ thể, trong những phiên đầu tuần từ 15-17/11, chỉ số chỉ giằng co đi ngang quanh ngưỡng 1.470 mà không ghi nhận nhịp tăng hay giảm mạnh nào.
Tuy nhiên trong những phiên cuối tuần, sau nhiều lần thất bại trước ngưỡng 1.480 thì lực bán chốt lời áp đảo trên thị trường và tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Theo đó, VN-Index quay đầu giảm sâu và thậm chí có thời điểm lùi về sát mốc 1.435 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần (19/11) nhưng đã thu hẹp đáng kể mức giảm về cuối phiên.
VCBS cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu cho thấy những dấu hiệu điều chỉnh giảm để tích lũy lại sau nhịp tăng vượt mốc 1.400 điểm cuối tháng 10.
Việc đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm tốc và thêm vào đó là việc chỉ số VN-Index liên tiếp thất bại trong việc chinh phục ngưỡng kháng cự 1.480 điểm đang làm cho tâm lý nhà đầu tư dần thận trọng hơn.
VCBS cũng nhìn nhận rằng, một mặt bằng giá mới đang dần được thiết lập theo xu hướng tích lũy đi ngang hiện tại của chỉ số chung quanh ngưỡng 1.450 và ít có khả năng sẽ xuất hiện một nhịp giảm mới trong ngắn hạn.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kết thúc ngày giao dịch cuối tuần 19/11 nhiều sóng gió, dòng tiền vẫn "ồ ạt" chảy vào thị trường, nhưng các cổ phiếu bị chốt lãi quyết liệt.
VDSC đưa ra khuyến nghị thận trọng khi cho rằng, với việc thị trường chưa ổn định trở lại, các nhà đầu tư có thể cân nhắc việc giải ngân mới, cũng như xem xét dấu hiệu các cổ phiếu đang nắm giữ có những yếu tố suy yếu dòng tiền thì nên hạ dần tỷ trọng để đảm bảo sự an toàn trong đầu tư.
Theo Công ty cổ phẩn Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), sau ba tuần tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã phải điều chỉnh trở lại trong tuần qua.
Mức giảm của chỉ số là không lớn, tuy nhiên thanh khoản lại lập kỷ lục mới cho thấy áp lực bán trong tuần qua là thực sự mạnh. Rất may là lực cầu vẫn là tương đối tích cực đã giúp thị trường không giảm sâu.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn kết tuần trên ngưỡng hỗ trợ tâm lý và kỹ thuật 1.450 điểm nên khả năng chỉ số này quay trở lại đà tăng để hướng đến kháng cự tâm lý 1.500 điểm vẫn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, những rung lắc cũng có thể xảy ra thường xuyên hơn trong giai đoạn tới. SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo 22-26/11, VN-Index có thể tăng điểm trở lại để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm.
Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ 15 -19/11, VN-Index giảm 21,02 điểm xuống 1.452,35 điểm; HNX-Index tăng 12,34 điểm lên 453,97 điểm.
Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó và lập kỷ lục mới với gần 39.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 12% lên 174.587 tỷ đồng tương ứng với khối lượng tăng 10,5% lên 5.871 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 13,4% lên 24.818 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng tăng 16,3% lên 982 triệu cổ phiếu.
Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu chính đều sụt giảm trong tuần qua. Cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất với 8,5% giá trị vốn hóa, nguyên nhân chủ yếu là do sự giảm mạnh của các cổ phiếu thép như: HPG giảm 12,1%, NKG giảm 15,7%, HSG giảm 16,1%, SMC giảm 16,5%...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng với mức giảm 6,1% giá trị vốn hóa, do đà giảm của cổ trụ cột trong ngành như GAS giảm 10,2%.
Nhóm dầu khí cũng mất 3,1% giá trị vốn hóa. Cụ thể, hàng loạt mã điều chỉnh như: PVB giảm 1,7%, OIL giảm 5,2%, PVD giảm 7,2%, PVS giảm 10,8%, BSR giảm 12,1%.
Nhóm công nghệ thông tin giảm 2,4% giá trị vốn hóa; nhóm hàng tiêu dùng giảm 1,7%; nhóm y dược giảm 0,5%.
Ở chiều ngược lại, ngành công nghiệp tăng mạnh nhất với 2,5% giá trị vốn hóa. Ngành tài chính tăng nhẹ 0,6% vốn hoá, nhờ đà tăng của các cổ phiếu chứng khoán như: VCI tăng 2,8%, HCM tăng 5,3%, VND tăng 7,3%, SSI tăng 8,7%, SHS tăng 11,2%...
Chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch sôi động thì chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong tuần qua, với chỉ số S&P 500 tăng 0,3%, chỉ số Dow Jones giảm 1,4%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,2%.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 19/11 trái chiều, với chỉ số Dow Jones giảm do những lo ngại lớn hơn về số ca mắc COVID-19 gia tăng tại Mỹ và châu Âu, nhưng chỉ số Nasdaq Composite ghi nhận mức cao kỷ lục khi lợi suất trái phiếu giảm.
Chỉ số Dow Jones giảm 268,97 điểm xuống 35.601,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,58 điểm xuống 4.697,96 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 63,73 điểm lên 16.057,44 điểm.
Trong tháng 10, doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng 1,7%, mạnh hơn dự kiến và doanh thu từ một số chuỗi bán lẻ cho thấy lượng khách hàng không giảm.
Doanh thu vẫn đạt các con số ấn tượng, ngay cả khi các nhà đầu tư lo ngại các doanh nghiệp sẽ không thể xoay sở được với các vấn đề về chuỗi cung ứng. Trong khi đó, cổ phiếu của các công ty công nghệ đã tạo động lực cho thị trường vốn chịu áp lực do lực những lo ngại về đại dịch.
Theo Giám đốc đầu tư của công ty dịch vụ quản lý đầu tư Wilmington Trust (Mỹ) Tony Roth, châu Âu hiện đang có nhiều vấn đề, gây lo ngại rằng một sự gia tăng tương tự số ca mắc COVID-19 tại Mỹ.
Điều này đã đưa đến mối quan tâm của các nhà đầu tư đối với cổ phiếu của các công ty hưởng lợi nhờ xu hướng "ở trong nhà" trong đại dịch như các cổ phiếu công nghệ và những lĩnh vực được thúc đẩy trong điều kiện lãi suất thấp.
Một số nhà đầu tư cho rằng tin về số ca mắc COVID-19 gia tăng được cho là lý do để giảm mua vào trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn tại Mỹ trong tuần tới tại Mỹ.
Thông báo phong tỏa toàn quốc 20 ngày của Chính phủ Áo đã khiến các thị trường chứng khoán chịu sức ép và thúc đẩy hoạt động mua vào các trái phiếu chính phủ an toàn. Tại Mỹ, số ca mắc COVID-19 gia tăng khi mùa du lịch sẽ bắt đầu trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn lạc quan về các chỉ số chứng khoán Mỹ, dù có những lo ngại như lạm phát. Ông Roth vẫn tin tưởng vào tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, nhờ việc tiến hành tiêm bổ sung vaccine ngừa COVID-19.
Trong tuần tới, các nhà đầu tư sẽ chờ xem Tổng thống Mỹ Joe Biden có tiếp tục chỉ định ông Jerome Powell là người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay sẽ có một lựa chọn mới.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán biến động trái chiều. Cụ thể, chốt phiên 19/11, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,5% lên 29.745,87 điểm; tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,1% lên 3.560,37 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng giảm 1,1% xuống 25.049,97 điểm.