Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 25,5 điểm lên 1.199,96 điểm; HNX-Index tăng 5,56 điểm lên 138,02 điểm.
Thị trường dao động trong biên độ hẹp, VN- Index tăng 4 trong tổng số 5 phiên giao dịch trong tuần; trong đó, VN- Index có phiên bứt phá mạnh mẽ vào phiên đầu tuần (tăng 1,89%). Tuy nhiên, khi VN- Index đạt ngưỡng 1.200 điểm thì thị trường lại bắt đầu xuất hiện lực bán rất mạnh, đẩy chỉ số này giảm trở lại.
Trong tuần, tại rất nhiều thời điểm, VN- Index tiệm cận ngưỡng 1.200 điểm, thậm chí có lúc VN-Index còn đạt được mức cao mới tại 1.202,59 điểm vào phiên cuối tuần, nhưng cuối cùng vẫn không thể vượt qua.
Thị trường cứ lặp đi lặp lại kịch bản bứt tốc đầu phiên và sau đó “đuối” dần. Chỉ số VN-Index đóng cửa thấp hơn so với đỉnh cao trong ngày nhưng vẫn duy trì được sắc xanh.
Giao dịch của khối ngoại trên thị trường tuần qua diễn ra khá sôi động nhưng vẫn đi theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng trên cả hai sàn niêm yết HOSE và HNX.
Tính chung cho hai sàn HOSE và HNX, khối ngoại đã mua vào hơn 116 triệu cổ phiếu, trị giá 5.791 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 122 triệu cổ phiếu, trị giá 6.130 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt gần 5,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng gần 340 tỷ đồng.
Trong tuần giao dịch ghi nhận những mã cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm bất động sản tăng mạnh mẽ như: VIC tăng tới 13%, NVL tăng 10,5%; CII tăng 8,9%. Cổ phiếu ngành bảo hiểm BVH tăng 13,8%. Cổ phiếu ngành chứng khoán SSI tăng 7,4%.
Trong khi những cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành thực phẩm- đồ uống giảm giá sâu như: VNM giảm 2,4%, MSN giảm 5,9%, SAB giảm 5,6%, BHN giảm 5,9%. Các mã cổ phiếu thuộc ngành dầu khí như: GAS giảm 4,7%, PLX giảm 2,2%. Mã cổ phiếu ngành hàng không là VJC giảm 2,62%.
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng tuần qua hồi sinh với các mã có mức tăng khá như: ACB tăng 9%, VPB tăng 5,6%, MBB tăng 5,5%, VCB tăng 4,3%, CTG tăng 3,2%, BID tăng 1,4%.
Diễn biến thị trường cho thấy, mặc dù thị trường tăng trưởng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các mã cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng đã có sự cải thiện rõ rệt khi sắc xanh đã lan tỏa rộng hơn ra thị trường so với tuần trước đó.
Đặc biệt, dòng tiền lan tỏa sang những mã cổ phiếu vừa và nhỏ thuộc ngành chứng khoán, giúp các mã này tăng mạnh mẽ như: HCM tăng 11,2%, VND tăng 11,6%, MBS tăng 14,7%, VCI tăng 9,1%.
Các mã cổ phiếu thuộc ngành xây dựng bất động sản cũng tăng vượt bậc như: HBC tăng cả tuần với tổng mức tăng 9,5%, NLG tăng 13,9%, KBC tăng 10%, NBB tăng 11,9%, PDR tăng 7,6%, NRC mặc dù mới niêm yết trên sàn Hà Nội từ ngày 5/4 nhưng đã tăng trần 2 phiên liên tiếp, với tổng mức tăng 39,9%.
Theo giới phân tích và giới đầu tư chứng khoán, chỉ số VN- Index chưa vượt qua ngưỡng 1.200 điểm có thể là do hiện tượng chốt lời của nhà đầu tư. Tuần tới, khả năng VN- Index sẽ vượt 1.200 điểm, lúc đó có thể tạo ra sự đồng thuận tăng giữa cổ phiếu vừa và nhỏ với các cổ phiếu lớn, tức là dòng tiền sẽ tiếp tục lan tỏa tốt hơn và khi đó áp lực bán có thể giảm bớt.
Thực tế, thanh khoản gia tăng trong tuần qua và ở mức khá cao với khoảng 8.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Thị trường dường như đang cho thấy sự tích lũy để đi lên khi dòng cổ phiếu dẫn dắt đã trở lại.
Nhìn về các yếu tố dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), chỉ riêng quý I, VSD đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 1.878 nhà đầu tư nước ngoài gồm 1.741 cá nhân và 137 tổ chức. Nhìn lại quý I/2017, VSD chỉ cấp 541 mã giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài và trong cả năm 2017, đã cấp 3.277 mã; trong đó, có 2.856 cá nhân và 421 tổ chức. Như vậy, số mã chứng khoán VSD cấp cho nhà đầu tư nước ngoài trong quý I/2018 đã đạt 57% lượng cấp cả năm 2017 và cao gấp 3,5 lần so với quý I/2017.
Bên cạnh đó, mặc dù diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới vẫn chưa ổn định, nhưng theo giới phân tích chứng khoán tại Việt Nam, dường như thị trường chứng khoán Việt không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự biến động của thị trường chứng khoán thế giới. Thực tế giao dịch đã chứng minh trong khi thị trường thế giới giảm mạnh và có nhiều bất ổn thì thị trường Việt Nam vẫn lầm lũi tăng.
Giới phân tích cho rằng, Việt Nam gần đây và sắp tới ký kết nhiều hiệp định về hợp tác thương mại quan trọng. Điều này sẽ thu hút giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Không những vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh. Cũng có thể vì lý do này mà thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng mạnh và có thể còn tiếp tục tăng.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán MB- MBS, sự bứt phá mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua được hỗ trợ từ những yếu tố như: Nền tảng vĩ mô tích cực. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây.