Kết thúc tuần giao dịch qua, VN - Index giảm tới 5,61%, trong khi cả năm 2019, VN - Index chỉ tăng 7,67%. Tuần qua, chỉ số HNX - Index cũng giảm 3,72% xuống 102,36 điểm.
Thanh khoản trung bình trên cả hai sàn tăng mạnh trong tuần qua. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 196 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 63,22% so với tuần giao dịch trước. Trên sàn HNX, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh đạt trung bình gần 39 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 58.69%. Thanh khoản gia tăng rõ nét cho thấy sự dứt khoát trong quyết định bán của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, chỉ trong 2 phiên giao dịch đầu năm Canh Tý, khối ngoại đã bán ròng tới gần 205 tỷ đồng trên toàn thị trường. Xét đến các nhóm cổ phiếu, nhóm cổ phiếu ngành hàng không tuần qua liên tiếp giảm xuống mức giá sàn. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, cổ phiếu VJC giảm tới 11,4%, trong khi HVN cả 2 phiên giao dịch đều giảm xuống mức giá sàn, với tổng mức giảm là 13,8%. Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng giảm tới 7,1%.
Thực tế, các Hãng hàng không đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch viêm đường hô hấp cấp. Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 sau thị trường Đông Bắc Á, thậm chí nếu tính cả các chuyến bay thuê chuyến thì đây có thể là thị trường lớn nhất của hàng không Việt Nam.
Ngược lại, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp. diễn biến phức tạp thì cổ phiếu ngành dược phẩm và thiết bị y tế lại liên tiếp tăng trần. Theo đó, DHG tăng 12,7%, AMV tăng 16,4%, DHT tăng 11,4%, JVC tăng 13,7%, DVN tăng tới 29,3%...
Dù vậy, nhìn tổng thể thì hầu hết các nhóm cổ phiếu đang trên đà giảm sâu. Tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến tiêu cực khi giá dầu thế giới liên tục sụt giảm trong các phiên gần đây. Hầu hết các cổ phiếu trụ cột trong nhóm này như: GAS giảm 9,1%, PVS giảm 11,3%, PVD giảm 11,4%, PVB giảm 5%, PVC giảm 6,1%.
Mối quan ngại về tác động của sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng đã “phủ bóng đen” lên thị trường dầu mỏ thế giới trong suốt tuần qua.
Sự bùng phát của dịch được cho là sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Trung Quốc, với tổng số ca nhiễm mới cao hơn so với số lượng ca nhiễm bệnh trong đợt bùng phát dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) hồi năm 2002 - 2003.
Trong khi đó, Saudi Arabia đã mở cuộc thảo luận về việc tiến hành sớm cuộc họp chính sách sắp tới của OPEC và các đồng minh (OPEC+) vào đầu tháng Hai thay vì trong tháng Ba, sau khi giá dầu liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng việc chuyển dời cuộc họp có thể gây tác dụng ngược.
Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích tại Commerzbank nhận định rằng, cuộc họp OPEC+ diễn ra sớm hơn dự kiến ban đầu có thể được thị trường hiểu là một phản ứng hoảng loạn và do đó có tác dụng ngược lại. Bên cạnh đó, theo ông Fritsch, hiện chưa thể dự đoán được mức độ mà dịch viêm đường hô hấp cấp gây tổn hại đến nhu cầu dầu mỏ thế giới.
Giá dầu WTI đã mất 4,9% trong tuần qua, qua đó nâng tổng mức giảm trong tháng 1/2020 lên 15,6%, đánh dấu tháng giảm giá mạnh nhất của mặt hàng này kể từ tháng 5/2019. Giá dầu Brent giảm 4,2% trong tuần qua và rớt gần 12% trong tháng 1/2020.
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng giảm sâu trong tuần qua. Cụ thể, VCB giảm 5%, BID giảm 7,3%, TCB giảm 11,1%, MBB giảm 7,2%, STB giảm 6,4%, SHB giảm 2,6%, HDB giảm 7%...
Bên cạnh đó, hàng loạt mã vốn hóa lớn khác cũng diễn biến tiêu cực như: VNM giảm 10,8%, SAB giảm 9%, MSN giảm 6,2%, HPG giảm 8,5%, BVH giảm 12,6%, VRE giảm 8%...
Theo nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), việc VN-Index đánh mất ngưỡng 940 điểm (đáy tháng 6/2019) đã khiến cho thị trường trở nên xấu hơn trên khía cạnh phân tích kỹ thuật.
Trong kịch bản xấu khi dịch viêm đường hô hấp cấp tiếp tục diễn biến tiêu cực, VN-Index có thể giảm tiếp nhằm tìm kiếm lực cầu giá thấp với vùng hỗ trợ gần nhất quanh 920 điểm (cạnh trên vùng tích lũy đầu năm 2019).
Các nhà phân tích tới từ SHS nhận định trong tuần giao dịch tiếp theo (3/2 - 7/2), VN-Index có thể sẽ biến động giằng co và tích lũy lại với biên độ trong khoảng 920 - 950 điểm (cạnh trên vùng tích lũy đầu năm 2019 - cạnh dưới vùng tích lũy cuối năm 2019) nhằm ổn định cung cầu.
SHS khuyến nghị nhà đầu tư không nên quá lo lắng bởi lịch sử thị trường chứng khoán cho thấy, những dịch bệnh xảy ra và được kiểm soát thì sau đó thị trường chứng khoán thường hồi phục tốt và vượt qua được mức điểm số trước khi dịch bệnh diễn ra.
SHS cho rằng, nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo cổ phiếu trong vùng giá thấp này. Những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh 900 - 920 điểm (vùng tích lũy đầu năm 2019) nếu có sẽ là cơ hội mua cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC có quan điểm không tích cực đối với xu hướng thị trường trong thời gian tới khi vùng hỗ trợ quan trọng 945 - 946 điểm bị phá vỡ. Do đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên tạm thời đứng ngoài thị trường để chờ đợi xem phản ứng của chỉ số.