Chứng khoán tuần 11- 15/12: VN-Index có thể 'đi ngang'

Tuần giao dịch từ 4 - 8/12, thị trường chứng kiến áp lực chốt lời diễn ra mạnh tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khiến 2 chỉ số giảm sâu. Tuy nhiên, VN-Index có thể bước vào giai đoạn tích lũy đi ngang trong tuần tới.

Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Kết thúc tuần giao dịch (4 - 8/12), VN-Index giảm 20,17 điểm xuống 940,16 điểm; HNX-Index giảm 1,68 điểm xuống 113,81 điểm.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn điều chỉnh sâu là nguyên nhân chính kéo các chỉ số đi xuống, có thể kể đến như VNM (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk) giảm 4%, SAB (Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn- Sabeco) giảm 6,4%, ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros) giảm 14,2%, VIC (Tập đoàn Vingroup) giảm 2,1%...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh như: MBB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội) giảm 2,4%, CTG (Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam) giảm 4,4%, VCB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam) giảm 2,6%, VPB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng) giảm 4%, BID ( Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam) giảm 2%, NVB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân) giảm 6,3%.

Quan sát diễn biến giao dịch có thể thấy, trong phiên giao dịch đầu tuần (4/12), nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là nhóm dẫn sóng thị trường, trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 23 mã tăng giá và chỉ có 5 mã giảm giá.

Đặc biệt, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VNM tăng tới 7.000 đồng/cổ phiếu để lập đỉnh lịch sử với mức giá 203.900 đồng/cổ phiếu, kế tiếp là cổ phiếu SAB cũng tiếp tục tăng 2.300 đồng và lên mức giá 332.300 đồng/cổ phiếu.

Thêm vào đó, các mã lớn khác như VIC tăng 1.500 đồng/cổ phiếu, PLX (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) tăng 1.000 đồng/cổ phiếu, VJC (Công ty cổ phần Hàng không VietJet) tăng 800 đồng/cổ phiếu, FPT (Công ty Cổ phần FPT) tăng 400 đồng/cổ phiếu.

Sự tích cực của phiên đầu tuần lan ra khắp các nhóm cổ phiếu, giúp 2 chỉ số tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, sự tích cực này không kéo dài, ngay phiên giao dịch hôm sau (5/12) thị trường điều chỉnh sâu, VN- Index giảm gần 17 điểm. Điều này được ví như gáo "nước lạnh" dội vào những kỳ vọng đang dâng cao của thị trường.

Nhiều nhà đầu tư khá hoang mang khiến áp lực chốt lời gia tăng, thị trường giảm sâu tiếp 2 phiên sau đó. Tổng cộng 3 phiên giảm điểm giữa tuần VN- Index mất 31,37 điểm.

Theo Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS, việc thị trường điều chỉnh mạnh có thể là do thời gian qua nhà đầu tư khá lạc quan khiến margin (giao dịch mua chứng khoán của nhà đầu tư có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán) tại các công ty chứng khoán “căng cứng”.

Thêm vào đó, một số quỹ, nhà đầu tư bắt đầu chốt lời cuối năm và tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới. Một lý do giảm điểm của thị trường nữa là thường thì thị trường sẽ ảm đạm trước kỳ cơ cấu lại danh mục của các quỹ ETF (quỹ đầu tư chỉ số).

“Có thể thị trường sẽ chững lại trong vòng 1 đến 2 tuần và sau khi các quỹ ETF cơ cấu xong thì thị trường sẽ tiếp tục tăng”, ông Đức nói.

Sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp, đến phiên giao dịch cuối tuần, áp lực chốt lời đã giảm và nhiều mã cổ phiếu lớn hồi phục khiến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có sự phân hóa khá mạnh, thị trường đã đi theo chiều hướng tích cực hơn.

Các mã lớn tăng giá như cổ phiếu VJC (Công ty cổ phần Hàng không VietJet) tăng 2.300 đồng/cổ phiếu, BVH (Tập đoàn Bảo Việt) tăng 1.100 đồng/cổ phiếu, VRE (Công ty cổ phần Vincom Retail) tăng 1.000 đồng/cổ phiếu, MSN (Công ty cổ phần Tập đoàn MaSan) tăng 2.900 đồng/cổ phiếu, ROS tăng 1.300 đồng/cổ phiếu, VIC tăng 1.000 đồng/cổ phiếu, VNM tăng 2.100 đồng/cổ phiếu.

Phiên cuối tuần, mặc dù các mã trong rổ cổ phiếu VN30 vẫn đóng vai trò là điểm tựa chính dẫn dắt thị trường, nhưng áp lực bán đã có dấu hiệu gia tăng ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ là những nguyên nhân khiến độ rộng thị trường bị thu hẹp.

Cụ thể, các mã như DXG (Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh), TDH (Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức), QCG (Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai), HAG (Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai), HNG (Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai), HAI (Công ty cổ phần Nông dược H.A.I), AMD (Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group)… đều chìm trong sắc đỏ.

Theo anh Nguyễn Văn Hanh, chuyên viên môi giới chứng khoán Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội (SHS), với sự điều chỉnh khá sâu và trên diện rộng trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường đã bớt rủi ro hơn. Các phiên điều chỉnh này là điều tất yếu trong quá trình đi lên nhằm củng cố mặt bằng giá. Những phiên đầu tuần tới nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào sự hồi phục của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tuy nhiên, nhìn chung trong các phiên giao dịch tuần tới thị trường có thể sẽ chững lại và giao dịch chậm hơn vì nhà đầu tư đã bán chốt lời và xuất hiện tâm lý quan sát động thái của nhau, đợi xu thế tiếp theo của thị trường.

Tâm lý e ngại thể hiện rõ nhất trong các phiên giao dịch cuối tuần qua khi thanh khoản bắt đầu sụt giảm. Tính chung cả tuần, thanh khoản trên cả hai sàn đã đồng loạt sụt giảm.


Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 206.4 triệu đơn vị/phiên, sụt giảm 12.96% so với tuần giao dịch trước,  trong khi thanh khoản trên sàn HNX đạt 66.9 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 3.57%.

Diễn biến tuần giao dịch qua cho thấy, không những nhà đầu tư nội mà nhà đầu tư nước ngoài cũng có tâm lý chốt lời để bảo toàn lợi nhuận cuối năm. Lực bán của khối ngoại diễn ra đều đặn qua các phiên với cường độ bán ròng gia tăng về cuối tuần.    

Khối ngoại đã mua vào tổng cộng 88,3 triệu cổ phiếu, trị giá 3.887 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 91 triệu cổ phiếu, trị giá 4.820 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 2,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 942,7 tỷ đồng.

Với những diễn bến của thị trường hiện tại, các công ty chứng khoán đưa ra những nhận định khá thận trọng cho diễn biến tuần giao dịch sắp tới.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt- BVSC cho rằng, áp lực bán ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao. Dù vậy, dòng tiền cũng cho thấy xu hướng dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp thị trường tiếp tục có diễn biến phân hóa trong tuần tới.

Theo BVSC, khả năng điều chỉnh trên diện rộng không được đánh giá cao.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC nêu quan điểm, thị trường biến động trái chiều, nhưng đều thể hiện đà điều chỉnh có dấu hiệu chững lại.

VDSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể thực hiện việc cơ cấu danh mục cổ phiếu theo dòng tiền thị trường.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội (SHS) nhận định, trong tuần giao dịch 11/12-15/12, VN-Index có thể bước vào giai đoạn tích lũy đi ngang trong biên độ 930 - 950 điểm, cần sự bứt phá ra khỏi vùng này để xu hướng rõ ràng hơn.

Văn Giáp (TTXVN)
Chứng khoán chìm trong sắc đỏ, cả 2 chỉ số lao dốc mạnh
Chứng khoán chìm trong sắc đỏ, cả 2 chỉ số lao dốc mạnh

Nếu như chốt phiên sáng nay (5/12), VN-Index giảm nhẹ, dừng ở sát ngưỡng 970 điểm thì bất ngờ áp lực bán mạnh chiều nay đã lan rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. VN-Index đóng cửa với mức giảm mạnh nhất trong 4 tháng, còn HNX-Index có phiên giảm mạnh nhất hơn 2 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN