Tại Mỹ, các chỉ số chính dịch chuyển ngược hướng nhau, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng cao hơn, trong khi Dow Jones giảm.
Cụ thể, trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,2% xuống 32.798,40 điểm. Ngược lại, chỉ số S&P 500 tăng 0,1% lên 3.992,01 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 0,4% và khép phiên ở mức 11.576,00 điểm.
Tình huống tương tự cũng xảy ra tại thị trường chứng khoán châu Âu, với các chỉ số chính tại Anh và Đức tăng nhẹ trong khi chứng khoán Pháp trượt dốc.
Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 0,1% lên 7.929,92 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 0,5% lên 15.631,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) giảm 0,2% xuống 7.324,76 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này tăng 0,2% và khép phiên ở mức 4.288,45 điểm.
Thị trường chứng khoán thế giới vẫn khá chật vật, sau khi Chủ tịch Powell giáng một đòn mạnh vào hy vọng yếu ớt rằng Fed có thể sớm tạm dừng việc thắt chặt lãi suất.
Trong phiên điều trần hôm 7/3 trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ông Powell nói với các nhà lập pháp rằng mức lãi suất cuối cùng có thể cao hơn dự đoán trước đây, viện dẫn các dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự kiến.
Sang ngày 8/3, ông nhấn mạnh một lần nữa với giới lập pháp rằng các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ xem xét tất cả các số liệu cần thiết trước khi đưa ra quyết định.
Trong một dấu hiệu củng cố khả năng Fed sẽ có chính sách “diều hâu” hơn, số liệu mới nhất công bố ngày 8/3 cho thấy hoạt động tuyển dụng tư nhân của Mỹ đã tăng trong tháng 2/2023. Điều này cho thấy Fed có thể cần nhiều nỗ lực hơn để hạ nhiệt nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde vào cùng ngày đã đưa ra cam kết của riêng mình rằng "làm bất cứ điều gì cần thiết" để khôi phục sự ổn định giá cả. Trước đó, ECB cũng đã tăng lãi suất liên tục để kiểm soát lạm phát.
Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên 8/3, chỉ số VN-Index tăng 11,34 điểm lên 1.049,18 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 1,18 điểm lên 208,68 điểm.