Khép phiên này tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,8% xuống 25.819,65 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 0,4% xuống 2.792,81 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq lùi 0,2% xuống 7.577, 57 điểm trong bối cảnh số liệu yếu kém về ngành xây dựng gây sức ép lên thị trường chứng khoán Mỹ.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, tại London (Vương quốc Anh), chỉ số FTSE 100 tăng 0,4% lên chốt phiên ở 7.134,39 điểm. Chỉ số DAX 30 tại sản giao dịch Frankfurt (Đức) giảm 0,1% xuống 11.592,99 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris tăng 0,4% lên 5.286,57 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,2% lên đóng phiên ở 3.317,12 điểm.
Nhật báo Wall Street mới đây đánh giá Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần tới một thỏa thuận thương mại. Cụ thể, Trung Quốc đã nhất trí giảm thuế hoặc nới lỏng hạn chế đối với hàng nông sản, hóa chất, ô tô và các sản phẩm khác của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cam kết đẩy nhanh việc dỡ bỏ những giới hạn về sở hữu nước ngoài đối với các dự án xe hơi và giảm thuế đối với xe nhập khẩu xuống thấp hơn mức thuế 15% hiện nay. Đối với yêu cầu thu hẹp thâm hụt thương mại của Washington, Bắc Kinh sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ, bao gồm cả việc mua lượng khí đốt tự nhiên trị giá hàng tỷ USD của tập đoàn năng lượng Cheniere Energy. Đổi lại, Washington sẽ xem xét dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt đối với các sản phẩm của Trung Quốc từ năm ngoái.
Theo nhà chiến lược trưởng về thị trường châu Á - Thái Bình Dương Tai Hui thuộc JP Morgan Asset Management, một giai đoạn “đình chiến” về thuế lâu dài hơn sẽ giúp giảm bất ổn kinh doanh. Điều này có thể cung cấp một lực đẩy rất cần thiết đối với niềm tin doanh nghiệp và cải thiện đà tăng trưởng trong thời gian tới.