Cổ phiếu ngành cảng biển phiên hôm nay là điểm sáng của thị trường khi diễn biến rất tích cực, với sự tăng giá của một loạt cổ phiếu. Cụ thể, GMD tăng 2%, DXP tăng 1,2%, CDN tăng 1,7%, SGP tăng 3%, CLL của Công ty cổ phần cảng Cát Lái tăng 0,7%.
Dù có những thông tin không thuận lợi, nhưng cổ phiếu CCL vẫn có những phiên tăng giảm đan xen từ đầu tháng 7 đến nay và không có thay đổi nhiều về thị giá, giao dịch sát mốc 31.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó cuối tháng 7/2021, Tân Cảng Sài Gòn đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng về khó khăn trong tổ chức hoạt động cảng Cát Lái.
Theo báo cáo, sau 3 tuần TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19, dung lượng tồn bãi tại cảng Cát Lái luôn chạm mức hết công suất; đặc biệt, dung lượng dành cho hàng nhập luôn trên 100% công suất. Cảng Cát Lái đối mặt nguy cơ tạm ngừng hoạt động để chờ giải phóng hàng.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành liên quan, đến nay tình hình ách tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái đã giảm nhiệt.
Ngoài nhóm cảng biển tăng điểm, một loạt nhóm cổ phiếu nhóm ngành khác đồng loạt giảm giá. Trong đó, đáng chú ý là nhóm ngân hàng với các mã VPB, VIB, VCB, VBB, TPB, TCB, STB, SSB, OCB, MSB, MBB, LPB, HDB, EIB, CTG, BID, ACB cùng giảm điểm. Nhóm này chỉ có 5 mã tăng giá à KLB, SHB, SGB, PGB; trong đó, PGB tăng tới 15% lên mức giá trần 23.000 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng ngập trong sắc đỏ. Hàng loạt mã trụ cột như: HCM, VND, SSI, SHS, VDS, MBS, CTS, BVS có mức giảm khá sâu.
Nhóm cổ phiếu VN30 có tới 20 mã giảm giá, trong khi chỉ có 8 mã tăng giá và 2 mã đứng ở mốc tham chiếu. Ở chiều giá xanh, đáng chú ý, VHM có mức tăng 2%, POW tăng 1,9%, các mã VJC, VNM, BVH, PNJ có mức tăng không lớn.
Điểm tích cực là khối ngoại vẫn tiếp tục mạch mua ròng phiên thứ 6 liên tiếp. Cụ thể, khối này mua ròng 36,12 tỷ đồng trên HOSE, 4,28 tỷ đồng trên HNX và 14,33 tỷ đồng trên UPCOM.
Chốt phiên giao dịch 6/8, VN-Index giảm 4,1 điểm xuống 1.341,45 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 736 triệu đơn vị, tương ứng hơn 22.511 tỷ đồng. Toàn sàn có 117 mã tăng giá, 200 mã giảm giá và 43 mã đứng ở mốc tham chiếu.
HNX-Index đứng ở mốc tham chiếu 325,46 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 172 triệu đơn vị, tương ứng hơn 4.449 tỷ đồng. Toàn sàn có 109 mã tăng giá, 89 mã giảm giá và 171 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,35 điểm lên 88,28 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 105 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.454 tỷ đồng. Toàn sàn có 236 mã tăng giá, 113 mã giảm giá và 556 mã đứng giá.
Diễn biến giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam là tương đồng so với các thị trường châu Á. Cụ thể, các thị trường chứng khoán ở châu Á phần lớn giảm điểm trong phiên giao dịch chiều 6/8, khi sự lây lan của biến thể Delta trên khắp châu lục này đang làm gia tăng những lo ngại về sự phục hồi kinh tế của các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, các diễn biến mới đây trong chính sách của Trung Quốc đã khiến giới đầu tư châu Á quan ngại, dù tuần này, các chỉ số chứng khoán trong khu vực đã phục hồi phần nào mức giảm trong tuần trước do Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát lĩnh vực công nghệ và giáo dục.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương trừ Nhật Bản đã giảm 0,25%. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,24%, hay 8,32 điểm và khép phiên với 3.458,23 điểm; chỉ số Hang Seng tại Hong Kong cũng để mất 0,1%, hay 25,29 điểm, xuống 26.179,40 điểm.
Ngược lại với xu hướng giảm điểm trong khu vực, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,33%, hay 91,92 điểm, lên 27.820,04 điểm, nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các công ty lớn ở trong nước.