Phiên 4/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 246,27 điểm (tương đương 0,82%) lên 30.215,79 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 ghi thêm 32,4 điểm (0,88%) lên 3.699,12 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tiến 87,05 điểm (0,7%) lên 12.464,23 điểm.
Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số việc làm phi nông nghiệp của nước này đã tăng 245.000 vị trí trong tháng 11, thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế là 469.000 việc làm và là mức tăng nhỏ nhất kể từ khi thị trường lao động bắt đầu phục hồi vào tháng Năm.
Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết thông tin trên cho thấy đà phục hồi kinh tế tại Mỹ đang bị đình trệ. Ông cảnh báo "mùa Đông đen tối" sắp tới sẽ làm trầm trọng thêm các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 trừ khi Quốc hội ngay lập tức thông qua dự luật cứu trợ nền kinh tế.
Ông Ryan Detrick, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty tư vấn đầu tư LPL Financial cho biết sự suy yếu có của thị trường việc làm Mỹ lại có thể là tin tốt cho các nhà đầu tư. Vì nó có thể giúp gia tăng khả năng Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua một dự luật kích thích kinh tế mới.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán Mỹ đã có một tuần giao dịch khá tích cực, dù các chỉ số chính vẫn dịch chuyển ngược chiều nhau trong một số phiên.
Trong phiên đầu tuần 30/11, chứng khoán Mỹ đảo chiều đi xuống do giới đầu tư đẩy mạnh bán tháo chốt lời vì đà tăng mạnh của thị trường trong những tuần gần đây. Kết thúc phiên, chỉ số Dow Jones giảm 0,91%, chỉ số S&P 500 hạ 0,46% còn chỉ số Nasdaq Composite để mất 0,06%.
Đà tăng trở lại với Phố Wall trong phiên 1/12 với hy vọng phục hồi kinh tế nhờ số liệu lạc quan của Trung Quốc và kỳ vọng về vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ ra thị trường vào năm 2021. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6%, còn chỉ số tổng hợp S&P 500 và Nasdaq Composte đều tăng hơn 1%.
Song thị trường chứng khoán Mỹ biến động ngược chiều trong phiên 2/12, với chỉ số S&P 500 tiếp tục leo lên mức cao kỷ lục mới, còn chỉ số Nasdaq lại quay đầu hạ điểm. Tâm lý hưng phấn của giới đầu tư trước những tiến triển trong việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu và những kỳ vọng vào một gói kích thích kinh tế mới liên quan đến đại dịch COVID-19 đã bị giằng co bởi báo cáo việc làm ảm đạm của khu vực tư nhân.
Phiên 3/12, các chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ tiếp tục biến động trái chiều. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite của thị trường Phố Wall (Mỹ) tăng lên mức cao kỷ lục nhờ đà tăng giá cổ phiếu của công ty sản xuất ô tô điện Tesla Inc. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 đi xuống sau khi công ty dược Pfizer Inc gặp trở ngại trong quá trình triển khai vắc-xin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Với mức tăng khá ổn trong phiên 4/12, tính chung trên cả tuần, chỉ số Dow Jones đã tăng 1%, chỉ số S&P 500 tăng 1,7% và chỉ số Nasdaq tăng 2,1%.
Trong một báo cáo ngắn mới nhất gửi tới khách hàng, ông Boris Schlossberg, Giám đốc điều hành của công ty môi giới đầu tư BK Asset Management nhận định hiện hoạt động giao dịch của thị trường chứng khoán Mỹ đang phụ thuộc nhiều vào sự can thiệp của Chính phủ trên cả phương diện tiền tệ và tài khóa. Do đó, bất kỳ triển vọng nào về gói kích thích bổ sung sẽ được nhà đầu tư coi là chỉ dấu để thị trường tăng giá. Ông nhận định các chỉ số chính của Phố Wall có thể sẽ “chạy nước rút” hướng tới những mức kỷ lục mới nếu các cuộc đàm phán về gói cứu trợ đạt được tiến triển.