Với phiên hồi phục này thị trường chứng khoán Việt Nam đã ngắt được mạch giảm sâu 4 phiên liên tiếp. Diều này cũng khá tương đồng với các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu phần lớn tăng điểm trong phiên giao dịch 7/11 do đồng USD giảm khi thị trường theo dõi thông tin về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ và số liệu lạm phát quan trọng.
Thị trường hồi phục mạnh trong phiên chiều, màu đỏ dần được thay thế bằng màu xanh trên bảng điện từ. Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 23 mã tăng giá, trong khi chỉ có 7 mã giảm giá.
Các mã tăng mạnh có thể kể đến như: POW tăng tới 6,7% lên giá trần. Mã cổ phiếu đầu ngành chứng khoán là SSI cũng tăng 4,9%. Mã cổ phiếu ngành bán lẻ là MWG tăng 4,8%. Ngoài ra các mã đầu ngành ngân hàng tăng rất mạnh. Đây là những động lực chính giúp VN-Index đảo chiều thành công.
Thực tế, cổ phiếu trụ cột ngân hàng diễn biến rất tích cực. Có thể kể đến LPB và STB đều tăng tới 6,1%, BID tăng 4,8%, SHB tăng 4,2%, ACB tăng 3,1%, CTG tăng 2,1%, TPB tăng 2%...
Cùng đó, nhóm cổ phiếu dầu khí bứt phá và không còn mã nào giảm giá. Các mã như: TOS tăng 9,2%, PVS tăng 6,5%, PVD tăng 4%, PVC tăng 2,3%, PLX tăng 2,1%, PVB tăng 1,7%, OIL tăng 1,2%, BSR tăng 0,6%. Các nhóm chứng khoán, bảo hiểm cũng ngập trong sắc xanh.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn tiếp tục diễn biến rất tiêu cực với nhiều mã giảm sàn. Đáng chú ý, NVL tiếp tục giảm 7% xuống giá sàn và còn dư bán sàn tới gần 20 triệu đơn vị. PDR cũng giảm 6,9% xuống giá sàn và dư bán sàn hơn 17,3 triệu đơn vị. Các mã CKG, DIG, DRH, DTA, DXG, DXS, FID, HD8, LDG… giảm hết biên độ. Bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VHM và VRE đều ở chiều giá đỏ.
Điểm tích cực hôm nay là khối ngoại mua ròng mạnh với gần 524 tỷ đồng trên HOSE; 101,68 tỷ đồng trên HNX và 8,83 tỷ đồng trên UPCOM.
Chốt phiên giao dịch ngày 8/11, VN-Index tăng 6,46 điểm lên 981,65 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 660,7 triệu đơn vị, tương ứng gần 10.374 tỷ đồng. Toàn sàn có 209 mã tăng giá, 69 mã đứng giá và 232 mã giảm giá.
HNX-Index tăng 1,21 điểm lên 199,77 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 56,9 triệu đơn vị, tương ứng hơn 840 tỷ đồng. Toàn sàn có 72 mã tăng giá, 51 mã đứng giá và 96 mã giảm giá.
UPCOM-Index tăng 0,03 điểm lên 72,28 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 20,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 287,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 112 mã tăng giá, 48 mã đứng giá và 151 mã giảm giá.
Đánh giá về diễn biến thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng, đà giảm của chứng khoán Việt Nam không chỉ tới từ áp lực tỷ giá và nhập khẩu lạm phát, mà còn do áp lực một phần từ thị trường trái phiếu.
Về bối cảnh vĩ mô, ABS cho rằng Việt Nam vẫn thuộc “vùng xanh” về lạm phát với CPI tháng 10 tăng 0,15% so với tháng trước do giá thuê nhà tăng cao. Tính chung 10 tháng, CPI của cả nước tăng 2,89% so với cùng kỳ, lạm phát tiếp tục trong tầm kiểm soát và khả năng cả năm 2022, Việt Nam đạt mục tiêu lạm phát dưới 4% là khả thi.
ABS cũng lưu ý về tỷ giá USD vẫn đang xu hướng tăng cao, gần cán mốc 25.000 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, đồng VND đã trượt giá gần 9%. Việc đồng USD tăng giá mạnh sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu thu về USD.
Tuy nhiên, các thị trường Mỹ, châu Âu (thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam) hiện đang chịu áp lực lạm phát cao, vì vậy nhu cầu và sức tiêu thụ có xu hướng giảm. Xét cả 2 yếu tố trên, các doanh nghiệp xuất khẩu hiện vẫn đang phải chịu nhiều bất lợi hơn.
Bên cạnh đó, sau khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất thêm 1% đồng thời nới rộng biên độ tỷ giá cũng kích hoạt cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng. Cụ thể, lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần tăng sát mức trần 6%, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại nhóm 4 ngân hàng lớn là 7,4% trong khi tại một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cao nhất là 8,8%, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là 8,4%.
Trước bối cảnh vĩ mô trên, ABS cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục giao dịch trong xu hướng giảm với tâm lý chung theo thị trường thế giới.
Trong ngắn hạn, thị trường vẫn có thể tiếp tục giao dịch tích lũy trong vùng 960 – 1.070 do tác động tiêu cực từ chứng khoán thế giới khi tình hình lạm phát vẫn chưa khả quan và dòng tiền bị rút ra để chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn hơn.
Tại thị trường chứng khoán thế giới, các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu phần lớn tăng điểm trong phiên giao dịch 7/11 do đồng USD giảm khi thị trường theo dõi thông tin về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ và số liệu lạm phát quan trọng.
Khép phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,3% lên 32.827,00 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,0% lên 3.806,80 điểm, và chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,9% lên 10.564,52 điểm. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm do đồng USD giảm so với đồng bảng Anh và đồng euro.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ sẽ chính thức diễn ra sáng 8/11 (giờ địa phương - tối cùng ngày giờ Việt Nam).