Ông Hoàng Huy, chuyên viên phân tích của MSVN kỳ vọng, mức ảnh hưởng của đồng USD mạnh sẽ bắt đầu mờ dần sớm hơn trong năm tới, tạo thêm cơ hội cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023.
Ước tính sơ bộ, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng trong năm 2023 sẽ phải điều chỉnh giảm còn khoảng 10% so với dự báo trước đó, trong khi các ngân hàng có thể tăng trưởng khoảng 10 - 15%. Vì vậy, MSVN điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng EPS 2022 và 2023 cho thị trường chung còn 15% và 3% (từ 22% và 17%). Theo đó, chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức 10,3 lần P/E năm 2022 và 10 lần P/E năm 2023.
Trong ngắn hạn, lo ngại về tình hình lãi suất còn tăng cao, thanh khoản bị gián đoạn trên thị trường trái phiếu và triển vọng lợi nhuận bị điều chỉnh giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Điều này có thể ngăn VN-Index tăng trở lại từ mức giảm hiện tại. Thanh khoản sẽ giữ ở mức thấp khoảng 200 - 400 triệu USD mỗi phiên (một nửa so với mức đỉnh cuối năm 2021). Điều này sẽ khiến VN-Index đi ngang ở quanh mốc 1.000 điểm trong những tháng tới.
Cũng theo báo cáo phân tích, với mục tiêu nâng lãi suất của Fed là 4,5 - 4,75% và nguy cơ suy thoái ở Mỹ vào đầu năm tới, MSVN kỳ vọng ảnh hưởng của việc đồng USD mạnh sẽ bắt đầu giảm bớt, giúp NHNN có thêm dư địa để linh hoạt các chính sách; đồng thời Chính phủ Việt Nam sẽ chấp nhận chịu một mức mục tiêu lạm phát cao hơn để theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng hơn từ nửa sau năm 2023 nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Mặc dù định giá của thị trường hiện đang rất rẻ và MSNV rất mong thị trường sớm phục hồi, nhưng ông Hoàng Huy thừa nhận, một thực tế là trong ngắn hạn, cơ hội phục hồi rõ ràng là rất khó do còn nhiều biến động vĩ mô và thanh khoản trên thị trường chưa thể phục hồi.