Chốt phiên giao dịch ngày 19/12, VN-Index giảm 14,08 điểm xuống 1.038,4 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 989 triệu đơn vị, tương ứng hơn 16.042,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 159 mã tăng giá, 257 mã giảm giá và 82 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,75 điểm xuống 212,24 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 106,9 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.558 tỷ đồng. Toàn sàn có 73 mã tăng giá, 91 mã giảm giá và 51 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,07 điểm xuống 72,14 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 41,6 triệu đơn vị, tưng ứng hơn 559,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 131 mã tăng giá, 130 mã giảm giá và 66 mã đứng giá.
Cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm. Theo đó, trong rổ cổ phiếu VN30 có 25 mã giảm giá, trong khi chỉ có 4 mã tăng giá và 1 mã đứng giá. Các mã giảm giá mạnh có thể kể đến là NVL giảm 3,8%, VIC giảm 3,3%, GVR giảm 3,2%, POW giảm 3,1%, VHM giảm 2,2%...
Cùng đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn ngành ngân hàng như: BID, CTG, VCB, VPB, TPB, STB, MBB, TPB, ACB… chìm trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu dầu khí chỉ còn PTV giữ được sắc xanh. Các mã BSR, PLX, PVB, PVC, PVD, PVS ở chiều giá đỏ.
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm cũng diễn biến tiêu cực khi số mã giảm giá chiếm ưu thế. Các nhóm cổ phiếu còn lại hầu hết diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.
Khối ngoại hôm nay mua ròng 108,72 tỷ đồng trên HOSE; 13,23 tỷ đồng trên HNX và chỉ bán ròng 79,7 triệu đồng trên UPCOM.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2022 diễn ra ngày 17/12, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tính đến giữa tháng 12 thị trường đã có chuyển biến tích cực khi khối ngoại quay trở lại với giá trị mua ròng khoảng 19.000 tỷ đồng.
Bà Tạ Thanh Bình cũng cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng trong trung và dài hạn và động lực cho thị trường chứng khoán sẽ đến từ những thay đổi trong chính sách về thị trường trái phiếu, bất động sản, tiền tệ. Năm 2023, nền kinh tế sẽ hấp thụ những lợi ích của việc thực thi những chính sách này.