Ngoài ra, Phố Wall cũng có một tuần bận rộn với báo cáo thu nhập từ các công ty lớn bao gồm Microsoft, Intel và Boeing. Nhà phân tích Patrick O'Hare của chuyên trang tài chính Briefing.com cho biết các nhà đầu tư sẽ đặc biệt xem xét những triển vọng thu nhập năm 2023 của các doanh nghiệp để định hướng đầu tư của họ.
Sau khi mở đầu tuần mới với đà tăng ngày 23/1, chứng khoán Mỹ biến động ngược chiều trong hai phiên giao dịch liền sau đó, trước khi phục hồi vào hai phiên cuối tuần.
Thị trường chứng khoán đã có một khởi đầu thuận lợi trong năm nay khi lạm phát chậm lại mở đường cho các ngân hàng trung ương điều chỉnh giảm tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên, giờ đây, trọng tâm đang chuyển sang những tác động về kinh tế của những đợt tăng lãi suất liên tiếp trong năm ngoái. Những lo lắng về triển vọng tăng trưởng và tác động của lãi suất cao hơn đối với lợi nhuận doanh nghiệp đã xóa mờ kỳ vọng vào động lực tăng trưởng kinh tế Trung Quốc - khi nước này bắt đầu mở cửa trở lại sau gần 3 năm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt.
Theo Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới OANDA, thị trường chứng khoán có những phiên chìm trong “sắc đỏ” do nhà đầu tư chuẩn bị cho đợt công bố báo cáo kinh doanh kém khả quan của các “ông lớn” công nghệ. Hàng loạt đợt sa thải nhân viên, những mục tiêu không hoàn thành và dự báo ảm đạm đang trở thành cơn gió ngược với hầu hết các công ty công nghệ. Tập đoàn công nghệ Microsoft thông báo triển vọng kinh doanh nền tảng điện toán đám mây cho doanh nghiệp Azure không được như kỳ vọng, sau khi chỉ vừa mới công bố kế hoạch sa thải 10.000 nhân viên. Trong khi đó, “ông lớn” hàng không Boeing thông báo lỗ trong báo cáo quý IV/2022, với doanh thu thấp hơn so với ước tính của các nhà phân tích.
Theo Refinitiv, mùa báo cáo lợi nhuận quý IV/2022 đang ở thời điểm sôi động nhất, với 72 công ty trong chỉ số S&P 500 báo cáo lợi nhuận. Trong số này, 65% đạt lợi nhuận vượt dự báo. Các nhà phân tích nhận định lợi nhuận của các công ty trong chỉ số S&P 500 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo chuyên gia về danh mục đầu tư tại Ingalls & Snyder, Tim Ghriskey, Fed sẽ đánh giá các báo cáo lợi nhuận và tình hình nền kinh tế, khi lãi suất tăng cùng với các vấn đề khác. Ngân hàng có thể sắp đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát và dừng tăng lãi suất.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 27/1, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,95% lên 11.621,71 điểm, còn chỉ số S&P 500 tăng 0,25% lên 4.070,56 điểm. Chỉ số Dow Jones tiến 28,67 điểm (tương đương 0,08%) lên 33.978,08 điểm.
Cả ba chỉ số chính đều ghi nhận mức tăng trong tuần qua và hướng đến ghi nhận mức tăng trong tháng. Nasdaq Composite vọt 4,32% trong tuần này, đánh dấu tuần leo dốc thứ 4 liên tiếp và trên đà ghi nhận tháng tốt nhất kể từ tháng 7/2022. S&P 500 và Dow Jones lần lượt tăng 2,47% và 1,81% trong tuần này.
Mùa báo cáo lợi nhuận tiếp tục diễn ra, với triển vọng mạnh mẽ thúc đẩy cổ phiếu American Express tăng 10,5% mặc dù doanh thu và lợi nhuận không đạt kỳ vọng. Một số cổ phiếu công ty sản xuất chip cũng tăng ngay cả khi cổ phiếu Intel sụt hơn 6% do báo cáo lợi nhuận ảm đạm không đạt kỳ vọng.
Cổ phiếu Tesla tăng mạnh 11% vào ngày 27/1, và tăng hơn 33% trong tuần sau khi báo cáo doanh thu cao kỷ lục. Đây là tuần có kết quả tốt nhất của cổ phiếu công ty sản xuất xe điện này kể từ tháng 5/2013.
Từ đầu năm đến nay, thị trường đã vượt qua xu hướng bán tháo của năm 2022. Dow Jones tiến 2,5%, còn Nasdaq Composite cộng 6%. Nasdaq Composite tăng 11%.
Ryan Detrick, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Carson Group, nhận định: “Chúng ta đang chuẩn bị đón nhận một tháng Một tích cực sau khi lạm phát hạ thấp và nền kinh tế đang chững lại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn, với cuộc họp của Fed vào tuần tới, nhân tố có thể “dội gáo nước lạnh” vào đà leo dốc này”.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 12/2022, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trùng khớp với dự báo từ Dow Jones. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng của người dân nước này đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 12/2022, báo hiệu một triển vọng ảm đạm của nền kinh tế trong thời gian tới. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2022 là 2,9 %, giảm 0,3 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng của quý III/2022 là 3,2 %. Tuy nhiên, số liệu kinh tế quý IV được cho là vẫn vượt mức mức kỳ vọng mà các chuyên gia đã đưa ra trước đó. Một số hãng phân tích kinh tế mới đây đã đưa ra dự đoán cho rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2022 dự kiến sẽ ở mức 2,6%.