Chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,2% trong phiên này, lên mức cao nhất trong 7 tháng nhưng vẫn nằm dưới mức đỉnh được xác lập trong ngày.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tiếp tục nối dài chuỗi ngày đi lên sang phiên thứ tư liên tiếp, khi xuất hiện các thông tin tích cực từ ngành sản xuất thép và các cổ phiếu theo chu kỳ khác tăng trưởng, thúc đẩy tâm lý của giới đầu tư. Trong khi đó, sự thận trọng về triển vọng thu nhập của các doanh nghiệp trong quý IV/2022 khiến đà tăng chung chỉ ở mức vừa phải. Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei 225 tăng 95,82 điểm (0,35%) lên 27.395,01 điểm.
Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng hơn 1%, nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu công nghệ, trong khi giới đầu tư tiếp tục hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể giảm bớt tốc độ tăng lãi suất. Đóng cửa phiên này, chỉ số Kospi tăng 33,31 điểm, tương đương 1,39%, lên 2.428,57 điểm.
Khối lượng giao dịch của toàn thị trường trong hôm nay vẫn còn yếu, do thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và thị trường Trung Quốc vẫn đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán.
Các thị trường châu Âu mở cử phiên 25/1 với đà giảm nhẹ, với chỉ số Eurostoxx 50 giảm 0,3%.
Nhìn chung trên toàn cầu, thị trường chứng khoán đã tăng mạnh kể từ đầu năm nay sau một năm 2022 đầy khó khăn, dựa trên kỳ vọng rằng lạm phát sắp đạt đỉnh và đà tăng lãi suất của Mỹ sẽ giảm dần. Việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát COVID ở Trung Quốc và mở cửa lại biên giới cũng đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.
Chỉ số MSCI của châu Á đã tăng 9% kể từ đầu năm đến nay, sau khi giảm gần 20% vào năm 2022.