Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 243,6 điểm, hay 0,59%, lên 41.198,08 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 78,93 điểm, tương đương 1,39%, xuống 5.588,27 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq để mất 512,42 điểm, hay 2,77%, xuống 17.996,93 điểm.
Một bài báo đưa tin rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc các hạn chế thương mại nghiêm ngặt đối với Trung Quốc đã khiến cổ phiếu vi mạch giảm 6,8%, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong một ngày của chỉ số Philadelphia SE Semiconductor kể từ tháng 3/2020.
Sự thoái lui của nhóm "Magnificent 7", gồm bảy tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ đứng đầu là Nvidia và Apple, đã kéo giảm các chỉ số Nasdaq và S&P 500.
Trong khi đó, chỉ số Dow Jones, vốn diễn biến kém hơn hai chỉ số trên trong năm nay, lại duy trì được mức tăng khiêm tốn và ghi nhận phiên thứ ba liên tiếp đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Chỉ số này được hỗ trợ bởi cổ phiếu của Johnson & Johnson, UnitedHealth Group và Intel Corp, bất chấp sự lao dốc của nhóm cổ phiếu chip.
Ông Michael Green, chiến lược gia trưởng của công ty quản lý tài sản Simplify Asset Management ở Philadelphia, cho biết: "(Sự bán tháo) đang được thúc đẩy bởi áp lực trong lĩnh vực chip, và lần đầu tiên, chúng tôi thực sự thấy xu hướng này lan sang các công ty vốn hóa nhỏ". Chỉ số Russell 2000 dại diện cho các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, sau khi tăng vọt 11,5% trong năm phiên trước đó, đã phá vỡ chuỗi tăng điểm dài nhất trong hơn bốn năm.
Chuyên gia này cho rằng việc Mỹ cân nhắc tăng cường hạn chế đối với Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm đà giảm vốn đã bắt đầu, trong khi nhiều lĩnh vực (của thị trường chứng khoán) trước đó bị “ngó lơ” lại đang chứng kiến làn sóng mua vào mạnh mẽ.
Chỉ số CBOE Market Volatility, chỉ số đo lường trạng thái biến động chung của thị trường chứng khoán đã chạm mức cao nhất trong sáu tuần, cho thấy giới đầu tư đang ngày càng lo ngại.
Tại Việt Nam, khép lại phiên này, chỉ số VN-Index giảm 12,52 điểm, hay 0,98%, xuống 1.268,66 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 4,01 điểm, hay 1,64%, xuống 240,9 điểm.