Bảng điện tử hiển thị chỉ số chứng khoán KOSPI tại ngân hàng Hana ở Seoul, Hàn Quốc ngày 3/4/2025. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Giữa phiên giao dịch ngày 9/4, chứng khoán châu Âu ghi nhận sự sụt giảm mạnh dao động từ 3 - 4%. Cụ thể, tính đến 20h theo giờ Việt Nam, những nền kinh tế phải đối mặt với mức thuế 20% từ Mỹ như Pháp và Đức ghi nhận mức giảm ở các chỉ số chính lần lượt là 4,2 và 4,3% giá trị.
Chịu mức thuế 10%, Anh cũng chứng kiến chỉ số FTSE 100 giảm 3,7% giá trị, xuống còn 7.615,53 điểm. Thị trường chứng khoán các nước châu Âu đều ghi nhận mức giảm từ 3 - 6% trong phiên giao dịch. Sắc đỏ cũng tràn ngập các sàn giao dịch ở châu Phi và Trung Đông song mức sụt giảm không lớn.
Đà giảm của thị trường chứng khoán châu Âu bị đẩy nhanh sau khi Trung Quốc công bố biện pháp đáp trả thuế quan của Mỹ, với mức thuế lên tới 84%. Dự báo, thị trường Mỹ cũng sẽ biến động mạnh khi thị trường chứng khoán tương lai của Mỹ đã giảm hơn 100 điểm sau động thái của Bắc Kinh được công bố cuối giờ chiều 9/4 theo giờ Việt Nam.
Trước đó, phiên giao dịch của các thị trường châu Á cũng chứng kiến mức biến động mạnh, thổi bay hàng tỷ USD khỏi các sàn chứng khoán, tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa và các thị trường mới nổi.
Trong phiên 9/4, chỉ số Nikkei 225 và Topix của Nhật Bản giảm lần lượt 3,93 và 3,4%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,74%, mất hơn 20% giá trị so với mức đỉnh hồi tháng 7/2024 và xác nhận đã rơi vào thị trường giá xuống (bear market).
Hầu hết các thị trường châu Á đều chìm trong sắc đỏ ở mức giảm trung bình trên 2%. Ngược lại, các chỉ số chính của Trung Quốc đều ghi nhận mức tăng nhẹ. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,68%, trong khi tại sàn Thượng Hải (Shanghai), chỉ số Shanghai Composite tăng 1,31% khi chốt phiên.
Biến động không chỉ ghi nhận trên thị trường chứng khoán, Mỹ cũng đang trải qua một đợt bán tháo trái phiếu chính phủ dữ dội, làm tăng thêm bằng chứng cho thấy chúng đang mất đi vị thế là nơi trú ẩn an toàn truyền thống. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm tăng mạnh kéo đà tăng của lợi suất trái phiếu của Anh và Nhật Bản, trong đó lợi suất của trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 30 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/1998.
Thị trường ngoại hối cũng bị xáo trộn tương tự khi đồng nhân dân tệ suy yếu xuống mức thấp kỷ lục so với đồng “bạc xanh”, trong khi đồng won của Hàn Quốc cũng chạm mức yếu nhất kể từ năm 2009 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Cùng với đó, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm cùng với sự lao dốc của giá kim loại.