Chứng khoán đầu tuần xanh 'rực rỡ'

Sau khi bị xuyên thủng ngưỡng 1.200 điểm trong phiên cuối tuần (13/5) vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) đã bật xanh ngay khi mở cửa phiên đầu tuần (ngày 16/5) với nhiều hy vọng đà tăng được nới rộng. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, thị trường thu hẹp khoảng cách đà tăng do áp lực bán tháo.

Xanh hy vọng

Sau 30 phút giao dịch và chuyển sang phiên ATO, VN-Index đã tăng hơn 29 điểm và giao dịch quanh mức 1.212 điểm. HNX-Index cũng dần nới rộng sắc xanh, hiện chỉ số này bật tăng hơn 9 điểm và giao dịch quanh mốc 312 điểm.

Chú thích ảnh
Chứng khoán đầu tuần bật xanh trong phiên sáng đầu tuần. Ảnh chụp màn hình

VN30-Index cũng tăng mạnh hơn 34 điểm. VGR, SSI và PLX là những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất rổ và đang tăng hết biên độ. Trong khi đó, SAB, VHM là những mã hiện sắc đỏ trong nhóm.

Hầu hết các nhóm ngành đều tăng. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch khởi sắc nhất như TCB, VCB, VPB, MBB và BID. Đây đều là các mã nằm trong top những cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến VN-Index.

Ở ngành chứng khoán, nhiều cái tên như SSI, HCM, CTS, ART hay VDS đều đang hiện sắc tím. Các "ông lớn" khác đều có mức tăng mạnh như VND, VCI, SHS, những mã này cùng tăng sát mức giá trần.

Tuy nhiên, từ 10 giờ trở đi, lực bán tăng dần khi chỉ số tăng đã dần được thu hẹp. Cuối phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng gần 16 điểm, dừng ở mức 1.198,63 điểm, vẫn không đủ sức bước qua ngưỡng 1.200 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng hơn 8 điểm và dừng ở 310 điểm.

Mặc dù TTCK bật xanh, nhưng do người bán mong bán giá cao, còn người mua mong mua được giá rẻ hơn, nên khối lượng cổ phiếu khớp lệnh thấp, thanh khoản không cao,  chỉ đạt hơn 379 triệu cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch tương đương hơn 8.925 tỷ đồng. 

Nhóm cổ phiếu góp phần làm cho thị trường tăng hơn 12,7 điểm phải kể đến VCB, HPG, BID, GVR, CTG, VPB, MBB... Ở chiều ngược lại, VHM giảm mạnh nhất thị trường với hơn 1,79 điểm. 

Theo TS. Võ Đình Trí, giảng viên ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, có lẽ khi chỉ số VN-Index chính thức bước vào thị trường con gấu (bear market), giảm so với đỉnh gần nhất trên 20%, là một cú sốc khá lớn với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường lúc chỉ số ở vùng 1.500 điểm. Đây chính là lý do tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thật vững chắc.

Nói về lý do thị trường giảm sốc trong phiên cuối tuần qua, TS. Võ Đình Trí cho biết, đó có thể là thị trường tăng trưởng nóng, nhiều cổ phiếu có giá thị trường vượt xa nhiều giá trị nội tại, tạo ra các bong bóng tài sản. Đó có thể xuất phát từ khủng hoảng của một ngành quan trọng nào đó trong nền kinh tế như bất động sản hay thị trường tài chính. Hoặc đó có thể là sự thay đổi chính sách đột ngột của một ngân hàng trung ương quan trọng như Fed, hay có thể là một đại dịch hay khủng hoảng địa chính trị.

“Khi thị trường rơi vào trạng thái con gấu, sẽ có những nhà đầu tư bắt đầu hoang mang và thậm chí bị hoảng loạn. Chính vì vậy mà điều quan trọng đầu tiên là cần kiểm soát được cảm xúc của mình. Nhiều nghiên cứu và thực tế cho thấy khi không kiểm soát được cảm xúc thì hầu như con người ra các quyết định sai lầm. Trong trường hợp này là bán tháo cổ phiếu hay "bắt dao rơi" với những cổ phiếu vừa tăng trưởng nóng trong thời gian trước”, TS. Võ Đình Trí khuyến nghị.

Đã đến lúc xuống tiền?

Chú thích ảnh
Hầu hết các nhóm ngành đều tăng, trong đó ngành ngân hàng tăng mạnh nhất. Ảnh chụp màn hình

Trong khi đó, theo Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital), sự hoảng loạn và bán tháo của thị trường đang một lần nữa mang lại cơ hội đầu tư tốt nhất (kể từ đáy tháng 3/2020). Nếu có tiền nhàn rỗi, đây là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng đầu tư...

Thống kê từ SGI Capital cho thấy, trong 10 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 3 lần sụt giảm mạnh, đưa định giá P/E về mức rất rẻ. Lần 1 vào cuối năm 2012, chỉ số VN-Index giảm 25%. Lần 2 vào đầu năm 2016, dưới áp lực Fed tăng lãi suất và ngừng QE, tiền rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi, trong khi đồng Nhân dân tệ giảm mạnh, kinh tế Trung Quốc suy giảm nhanh gây áp lực lớn lên tỷ giá VND và nền kinh tế Việt Nam, VN-Index giảm 18%. Lần 3 vào 3/2020, do đại dịch COVID-19 lan rộng gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu nghiêm trọng, VN-Index giảm 34%. Những lần suy giảm lớn này đều đưa định giá P/E của VN-Index về dưới 12.x và mở ra cơ hội đầu tư rất tốt sau đó với mức tăng 35-80% sau 1 năm. Lần này là tháng 5/2022.

Mặc dù rất nhiều tài khoản nhà đầu tư đã giảm rất mạnh và mất đi toàn bộ lãi và cả một phần tiền gốc trong 2 năm 2020-2021, nhiều nhà đầu tư đang rơi vào tâm lý hoảng loạn và bán tháo tài khoản bằng mọi giá, trong đó có cả những cổ phiếu rất tốt và rẻ. Tuy nhiên, theo SGI Capital, nếu đi qua được giai đoạn biến động mạnh khi nhu cầu bán tháo mọi giá được hấp thụ, nhà đầu tư có thể sẽ thấy thị trường phục hồi rất nhanh khỏi vùng quá bán và đi vào chu kỳ tăng mới.

"Kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ở giai đoạn vững vàng và ổn định nhất 15 năm qua. Triển vọng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cũng rất sáng trong 1-3 năm tới. Giờ không phải là lúc cắt lỗ hoảng loạn và gặm nhấm đau khổ. Tạm gác lại mức lỗ vừa qua, tập trung làm bài tập, lên kế hoạch cho 1 năm tới để tận dụng thật tốt cơ hội mới. Làm được vậy, thị trường sẽ sớm tăng lại và có các đỉnh cao mới", ông Lê Chí Phúc, CEO Quỹ SGI Capital chia sẻ.

Cũng theo ông Lê Chí Phúc, đợt bán tháo của thị trường lần này có thể coi là dấu chấm hết của kỷ nguyên tiền rẻ và dễ dãi, đồng thời mở ra sự khởi đầu cho một chu kỳ mới, đi lên bền vững hơn dựa trên sự phục hồi của nền kinh tế thực và sự tăng trưởng của các doanh nghiệp. “Nếu có tiền nhàn rỗi, đây là thời điểm phù hợp để chúng ta gia tăng tỷ trọng đầu tư. Nếu đang cầm một danh mục đã giảm giá mạnh, việc nên làm là cơ cấu lại tập trung vào những cổ phiếu hấp dẫn nhất và kiên nhẫn chờ đợi thành quả”, ông Phúc khuyến nghị.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sơn, chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng, hiện vẫn chưa xác định được đã là đáy của thị trường hay chưa để quyết định tiếp tục đổ tiền vào đầu tư, việc theo dõi dòng tiền mới là yếu tố đóng vai trò quyết định vùng đáy của thị trường chứ không phải là một mức điểm số nào đó.

Vì vậy, ông Sơn cho rằng, thị trường chỉ có thể tạo được đáy khi xuất hiện những phiên giao dịch có chùm khối lượng cực lớn kéo dài liên tục từ 3 tới 5 phiên, khi đó xác suất hình thành đáy ngắn hạn mới tăng lên. Theo đó, trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư có vị thế giữ cổ phiếu bằng “tiền thịt” tuy tài khoản lỗ 30-50% nhưng áp lực sẽ nhẹ nhàng hơn so với thị trường nên sẽ có được lựa chọn để xử lý.

“Nhà đầu tư nên đánh giá lại yếu tố cơ bản của từng cổ phiếu đang nắm giữ, với các cổ phiếu có yếu tố cơ bản yếu thì nên chấp nhận thoát và chỉ nên giữ lại những cổ phiếu có cơ bản tốt và có triển vọng kinh doanh tích cực trong 3 - 4 quý tới. Sau đó, chờ đợi thị trường tạo đáy và các cổ phiếu tốt còn lại trong tài khoản về vùng giá rẻ để gia tăng thêm tỷ trọng nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong một chu kỳ mới của thị trường”, ông Sơn khuyến nghị.

Hải Yên/Báo Tin tức
Thay đổi của Facebook sau 1 thập niên lên sàn chứng khoán
Thay đổi của Facebook sau 1 thập niên lên sàn chứng khoán

Cách đây gần 10 năm, mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đã có đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong sự mong chờ của các nhà đầu tư và cổ đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN