Chứng khoán có tiếp tục tăng nhờ dẫn dắt của cổ phiếu vốn hóa lớn?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một sự khởi đầu năm mới theo kịch bản tích cực. Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, VN-Index tăng 28,41 điểm lên 1.012,65 điểm; HNX-Index tăng 2,06 điểm lên 118,92 điểm.

Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Thanh khoản trên hai sàn tăng mạnh và đạt mức cao mới với hơn 7.600 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Phiên giao dịch cuối tuần thị trường chững lại khi nhà đầu tư bắt đầu có dấu hiệu chốt lời. Việc chốt lời chủ yếu xảy ra ở nhóm vốn hóa lớn, sau một đà tăng dài. VN- Index và HNX- Index đều điều chỉnh giảm phiên cuối tuần.

Giới phân tích cũng cho rằng, phiên giảm điểm cuối tuần qua giúp củng cố giúp mặt bằng giá mới, trước khi chinh phục những ngưỡng cao hơn.

Tuy các chỉ số phiên cuối tuần giảm, nhưng điều tích cực là dòng tiền vẫn đổ mạnh vào thị trường để “bắt đáy”. Thanh khoản thị trường tăng cao với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 356,4 triệu cổ phiếu, trị giá trên 9.000 tỷ đồng và nếu loại trừ giá trị giao dịch cổ phiếu HDB đạt mức rất cao hơn 1.239 tỷ đồng do hiệu ứng niêm yết trên sàn HOSE, thì thanh khoản phiên cuối tuần vẫn ở mức cao nhất tuần.

Thanh khoản tăng cao là minh chứng cho niềm tin vững chắc của nhà đầu tư vào thị trường.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí hưởng lợi từ diễn biến đi lên của giá dầu thế giới với nhiều mã tăng mạnh như PLX tăng 5,3%, PVD tăng 6,9%, PVS tăng10,6%, PVB tăng 2%. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp nhóm cổ phiếu dầu khí có sự tăng trưởng mạnh.

Theo giới phân tích, thời gian qua, giá dầu hồi phục khiến giá cổ phiếu thuộc "họ" dầu khí cũng được hưởng lợi và tăng giá theo.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn còn nhiều sự lo ngại cho sự tăng trưởng của giá dầu trong thời gia tới. Các chuyên gia cho rằng, giá dầu mặc dù có tăng nhưng sẽ không tăng mạnh.

Trên thị trường dầu mỏ thế giới, sau khi đi xuống trong phiên đầu tuần, giá dầu thế giới tuần qua đã liên tiếp chạm mốc cao nhất kể từ giữa năm 2015 vào các phiên giữa tuần do bất ổn địa chính trị và báo cáo về lượng dầu dự trữ tại Mỹ.

Tuy nhiên, giá "vàng đen" đã đánh mất đà tăng trong phiên cuối tuần, khi mối lo dư cung trở lại "ám ảnh" các nhà giao dịch.

Hiện nay, các nhà giao dịch đang lo ngại sự gia tăng sản lượng dầu tại Mỹ sẽ làm suy yếu những nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Tuần qua, dòng tiền vẫn tiếp tục chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và gần như tất cả các mã thuộc nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng đều tăng như: SHB tăng 3,2%, STB tăng 5,8%, MBB tăng 3%, ACB tăng 5,1%, CTG tăng 3,7%, VPB tăng 8,3%, LPB tăng 4,7%, BID tăng 7,5%, EIB tăng 2%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong tuần tới, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục “hút” được dòng tiền và giữ nhịp thị trường.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng “đu” theo đà tăng của thị trường với nhiều mã tăng mạnh và thanh khoản được cải thiện như: SSI, HCM, VND, VCI…

Đặc biệt, dòng tiền vẫn luân chuyển tốt giữa các mã trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giúp gia tăng sức mua và duy trì sắc xanh ở nhóm cổ phiếu này. Đây cũng là nguyên nhân tố chính giúp 2 chỉ số tăng mạnh trong tuần giao dịch vừa qua.

Những mã cổ phiếu lớn tăng mạnh có thể kể đến như VNM tăng 2,3%, SAB tăng 6%, MSN tăng tới 10,4%, VIC tăng 3,5%, FPT tăng 5,1%.

Một yếu tố tích cực phải kể đến nữa là khối ngoại giao dịch rất mạnh trong tuần qua.

Cụ thể khối ngoại đã mua vào tổng cộng 84,2 triệu cổ phiếu, trị giá 3.787,5 tỷ đồng, trong khi khối này bán ra gần 69 triệu cổ phiếu, trị giá 2.803 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng mua ròng cổ phiếu của khối ngoại đạt hơn 15,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 984,3 tỷ đồng.

Tính riêng trên sàn HOSE, khối ngoại có tuần mua ròng thứ ba liên tiếp với giá trị đạt 1.205,8 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 21,3 triệu cổ phiếu. Đây cũng là tuần thứ 3 liên tiếp khối ngoại duy trì mức mua ròng trên 1.000 tỷ đồng trên sàn HOSE.


Với việc VN- Index bứt phá thành công cột mốc 1.000 điểm, sau 10 năm chờ đợi đã đem đến không khí tràn đầy hưng phấn và lạc quan cho các nhà đầu tư, giới chuyên gia, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với thị trường năm 2018.

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ từ câu chuyện quyết tâm của Chính phủ trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng đến dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới đều rất khả quan. Đặc biệt dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán năm qua đã tăng lên rất nhiều, vì vậy sức cầu hiện nay trên thị trường chứng khoán là rất tốt.

“Nếu chúng ta liên tưởng lại những đợt tăng của trước đây, như đợt tăng của thị trường chứng khoán những năm 2006- 2007 thì rõ ràng là đợt tăng này bền vững hơn rất nhiều, cả về phương diện dòng vốn và về phương diện nền kinh tế vĩ mô”, ông Dũng cho biết.

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, ông khá lạc quan về nền kinh tế vĩ mô, khả năng tăng trưởng kinh tế đất nước và sự hồi phục của kinh tế thế giới.

Theo ông Bằng, giá dầu, giá nguyên liệu đầu vào có sự hồi phục nhưng cũng sẽ không đến mức độ tăng cao. Vì vậy, năm tới có khả năng cao Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng, ổn định lãi suất, lạm phát. Nếu Ngân hàng Nhà nước nỗ lực phấn đấu xử lý nợ và có thể giảm mặt bằng vốn cho vay thì đó là cơ hội rất tốt cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Chính phủ đã và đang thể hiện rất rõ quyết tâm về phát triển doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, nếu điều chỉnh được những quy định về đầu tư nước ngoài trong Luật Chứng khoán thì việc thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ rõ ràng hơn.

Ông Bằng nhận định, năm 2018, các vấn đề về thương mại, đầu tư và các chính sách để thúc đẩy nền kinh tế sẽ có nhiều điều thuận lợi hơn. Việc cổ phần hóa những doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục thu hút được nhiều dòng vốn trong nước và quốc tế vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, cấu trúc quản trị doanh nghiệp sẽ tốt hơn, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ lớn hơn.

Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS cho rằng, với việc Chính phủ đẩy mạnh IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) và niêm yết các nhóm tổng công ty, tập đoàn lớn của nhà nước, "bức tranh" cổ phiếu sẽ có thay đổi rất lớn trong năm 2018. Có thể từ 1/3 đến 1/2 cổ phiếu hiện tại đang ở trong "rổ" VN30 có thể bị thay thế trong năm 2018.

“Các nhà đầu tư hiện rất quan tâm đến những đợt bán vốn nhà nước và đây sẽ là địa chỉ hút dòng tiền trong năm 2018”, ông Đức nói.

Văn Giáp (TTXVN)
Chứng khoán sẽ vượt ‘đỉnh’ nhờ triển vọng sáng của nền kinh tế
Chứng khoán sẽ vượt ‘đỉnh’ nhờ triển vọng sáng của nền kinh tế

Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức chiều 3/1, đại diện Công ty chứng khoán SHB Bank, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết: Chỉ số chứng khoán chính trên sàn Hose hôm nay vượt mốc 1.000 điểm không quá ngạc nhiên bởi dựa trên đà tăng từ năm 2017. “Giao dịch năm 2018 sẽ vẫn tốt, khả năng VN-Index có thể đạt mốc 1.500 điểm, cao hơn mức kỷ lục 10 năm trước là 1170,67 điểm”, ông Dũng nói.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN