Chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên chiều 28/4

Chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên chiều 28/4 nhờ lực đẩy từ tâm lý lạc quan của giới đầu tư và kết quả lợi nhuận khả quan của nhiều công ty lớn.

Chú thích ảnh
 Màn hình hiển thị các chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN

Trong đó, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo dẫn đầu đà tăng trong khu vực với mức tăng 1,4% lên 28.856,44 điểm, sau quyết định duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). Thị trường Tokyo còn được hỗ trợ bởi “gã khổng lồ” điện tử Sony, với mức tăng giá cổ phiếu hơn 2% sau khi công bố doanh thu cao kỷ lục 85 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng Ba.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,1% lên 3.323,27 điểm, nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ, trong khi chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 0,5% lên 19.940,51 điểm nhờ sự gia tăng mạnh mẽ trong giá cổ phiếu của các công ty công nghệ Tencent và NetEase.

Các thị trường Seoul, Sydney, Wellington, Mumbai, Bangkok và Manila cũng tăng điểm. Trong khi đó, các thị trường Jakarta, Singapore và Kuala Lumpur đi xuống.

Thị trường đang hướng sự chú ý đến cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra vào tuần tới. Fed được dự đoán sẽ xem hoạt động chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và sự sụt giảm trong số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp theo tuần của Mỹ là bằng chứng cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể tiếp nhận thêm các đợt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 27/4 cho biết, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu thế giới đã sụt giảm trong quý đầu tiên của năm 2023, với nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái nhẹ khi chi tiêu của người tiêu dùng yếu đi. Cụ thể, trong quý I/2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ chỉ tăng 1,1%, thấp hơn so với mức 2,6% của quý IV năm ngoái.

Bộ Thương mại cho biết, việc GDP quý I năm nay giảm tốc đã phản ánh tình trạng đầu tư hàng tồn kho khu vực tư nhân và đầu tư tài sản cố định (không tính nhà ở) đều sụt giảm. Tuy vậy, các chỉ số tiêu cực này được bù đắp một phần bởi mức tăng chi tiêu của người tiêu dùng và xuất khẩu cải thiện. Theo bộ trên, số liệu tăng trưởng GDP thể hiện sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng, xuất khẩu, chi tiêu của chính phủ liên bang, cùng với một số hình thức đầu tư.

Các nhà quan sát cho rằng, tiêu dùng đã trở thành động lực lớn và tạo đà tăng trưởng mạnh cho kinh tế Mỹ vào đầu năm 2023, với doanh số bán lẻ tháng 1 khởi sắc. Tuy nhiên, bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng và lãi suất cao có thể sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế.

Còn tại Việt Nam, khép lại phiên này, chỉ số VN-Index tăng 9,49 điểm, hay 0,91%, lên 1.049,12 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index tăng 1,62 điểm, hay 0,79%, lên 207,48 điểm.

Khánh Ly/TTXVN (Theo AFP)
Chứng khoán châu Á tăng nhẹ chiều 27/4
Chứng khoán châu Á tăng nhẹ chiều 27/4

Sau những biến động mạnh vào đầu phiên 27/4, các thị trường chứng khoán châu Á khép phiên này với mức tăng nhẹ dù nhiều công ty lớn ghi nhận kết quả lợi nhuận kém khả quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN