Phiên này, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 41,52 điểm (0,18%) xuống 22.437,27 điểm. Các nhà đầu tư tại đây cũng đang dồn sự chú ý tới các chỉ số kinh tế dự kiến sẽ được Chính phủ Nhật Bản công bố trong tuần này.
Chứng khoán Hàn Quốc không nằm ngoài xu hướng đi xuống, với chỉ số KOSPI tại thị trường Seoul giảm 14,59 điểm (0,68%) xuống khép phiên ở mức 2.126,73 điểm.
Tại thị trường Trung Quốc, các chỉ số chính đều trong vùng âm. Chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong giảm 132,55 điểm (0,54%) xuống 24.511,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng lùi 2,36 điểm (0,08%) xuống 2.965,27 điểm.
Chứng khoán Wellington giảm 0,9%. Chứng khoán Bangkok và Jakarta cũng nằm trong vùng đỏ, trong khi Sydney hầu như không thay đổi trong phiên này.
Giới quan sát cho biết các gói hỗ trợ khổng lồ từ các chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã hỗ trợ thị trường chứng khoán suốt thời gian gần đây. Song với những thông tin đáng lo ngại về số ca nhiễm mới tăng cao ở Mỹ, trong khi Trung Quốc, Australia, Đức và Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với những đợt bùng phát dịch COVID-19 mới, giới đầu tư đã tỏ ra cẩn trọng hơn.
Chuyên gia Stephen Innes tại công ty tư vấn tài chính AxiCorp cho biết, chứng khoán toàn cầu vẫn được nâng đỡ phần nào nhờ thông tin các nước châu Âu đang dần nới lỏng việc giãn cách xã hội và nối lại các hoạt động kinh tế.
Bên cạnh đó, tuy số ca nhiễm mới COVID-19 có tăng, nhưng hầu hết chỉ ảnh hưởng trong khu vực nhất định và chưa có tác động lên tình hình toàn cầu. Do vậy, nhà đầu tư có thể “nhẹ lòng” phần nào.
Một yếu tố cần theo dõi sát sao là liệu các chính phủ có tái áp đặt các lệnh giãn cách xã hội quy mô lớn như trong đợt bùng phát hồi đầu năm hay không. Theo ông Innes, hiện các nước nhiều khả năng sẽ chỉ áp dụng giãn cách xã hội quy mô vừa phải như Trung Quốc đang tiến hành ở Bắc Kinh, thay vì một đợt phong tỏa lớn như trước đó.
Tuy nhiên, chuyên gia của AxiCorp cho rằng số ca nhiễm mới tăng cao khiến nhà đầu tư phải đối mặt với thực tế u ám hơn. Điều này không chỉ “dội gáo nước lạnh” lên tham vọng phục hồi của thị trường, mà còn khiến nhà đầu tư phải nhìn nhận lại những tác động tiêu cực có thể kéo dài của dịch bệnh.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/6, VN - Index tăng 2,72 điểm (0,31%) lên 871,28 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 350,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 5.350 tỷ đồng. Toàn sàn có 205 mã tăng giá, 52 mã đứng giá và 172 mã giảm giá.
HNX - Index giảm nhẹ 0,64 điểm (0,55%) xuống 114,72 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 61,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 580,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 82 mã tăng giá, 68 mã đứng giá và 80 mã giảm giá.