Chứng khoán Nhật Bản kết thúc phiên này trong sắc xanh với mức tăng rất nhẹ, khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước mùa công bố báo cáo thu nhập của các công ty bắt đầu vào cuối tuần này. Chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo tăng 21,06 điểm (0,09%) lên khép phiên ở mức 22.717,48 điểm.
Chứng khoán Mumbai và Bangkok phiên này cũng nằm trong vùng tăng điểm.
Thị trường Trung Quốc phản ánh rõ xu hướng ngược chiều nhau của chứng khoán châu Á trong phiên này. Một mặt, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 100,02 điểm (3,11%) lên 3.314,15 điểm. Mặt khác tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng giảm 0,12% (31,18 điểm) xuống 25.057,99 điểm sau khi các nhà đầu tư băn khoăn về việc các ca nhiễm COVID-19 mới tại đây tăng đột biến, buộc các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan.
Chứng khoán Hàn Quốc đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần do hoạt động bán ra chốt lời. Theo đó, chỉ số Kospi phiên này để mất 2,99 điểm (0,14%) và đóng cửa ở mức 2.198,20 điểm. Các nhà phân tích cho biết, chỉ số này đã tăng 2,4% trong tuần trước nhờ hy vọng về các biện pháp kích thích kinh tế tại các nền kinh tế lớn, qua đó thúc đẩy giới đầu tư chốt lời trong phiên này.
Chứng khoán Sydney và Jakarta đều lùi 0,5%. Singapore để mất 0,4% và Wellington lùi 0,3%. Đài Bắc (Trung Quốc) cũng giảm nhẹ 0,1% trong phiên này.
Các nhà quan sát cho rằng giai đoạn tăng điểm từng giúp vực dậy thị trường chứng khoán toàn cầu kể từ khi chạm mức thấp kỷ lục hồi tháng Ba đang có dấu hiệu đình trệ khi số ca nhiễm COVID-19 mới tăng đột biến ở nhiều nước, như tại Australia và Mỹ.
Làn sóng lây nhiễm mới đã khiến các nhà lãnh đạo phát đi tín hiệu về việc tái áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm cản đà lây của COVID-19, bao gồm đóng cửa các quán bar, nhà hàng và bắt buộc người dân đeo khẩu trang. Diễn biến đó đã đặt ra câu hỏi về triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau cuộc suy thoái dự kiến trong năm nay.
Chuyên gia Shane Oliver thuộc công ty tư vấn đầu tư AMP Capital Investors cho hay về cơ bản, ông vẫn tin tưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi. Nhưng thay vì đồ thị phục hồi hình chữ V (chỉ việc sau một giai đoạn lao dốc, nền kinh tế sẽ nhanh chóng hồi phục mạnh mẽ), những số liệu gần đây đều chỉ hướng tới một giai đoạn phục hồi chậm và gập ghềnh hơn trong tương lai của kinh tế thế giới.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 20/7, chỉ số VN - Index giảm 10,62 điểm (1,22%) xuống 861,4 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 285 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 4.768,919 tỷ đồng. Toàn sàn có 112 mã tăng giá, 35 mã đứng giá và 282 mã giảm giá.
HNX - Index giảm 1,09 điểm (0,93%) xuống 115,72 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 44,9 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 523,114 tỷ đồng. Toàn sàn có 62 mã tăng giá, 57 mã đứng giá và 81 mã giảm giá.