Cụ thể, trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên 25/1 giảm 0,2% xuống 34.297,73 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 sụt mất 1,2% xuống 4.356,45 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 2,3% và khép phiên ở mức 13.539,29 điểm.
Chuyên gia Edward Moya của công ty môi giới đầu tư Oanda (Mỹ) đánh giá sự bất ổn của thị trường còn khá cao khi giới đầu tư vẫn cảm thấy lo lắng về tình hình căng thẳng giữa Ukraine và Nga, bên cạnh một loạt vấn đề liên quan tới lạm phát bao gồm Fed có khả năng mạnh tay nâng lãi suất hơn và tình trạng khan hiếm nguồn cung chip toàn cầu sẽ chưa khởi sắc hơn.
Theo ông Moya, thị trường vẫn còn lạc quan rằng trước mắt sẽ khó có một sự điều chỉnh lớn xảy ra vì đà tăng trưởng của Mỹ có thể vẫn còn nguyên vẹn trong năm 2022. Nhưng không có nhiều người mua vào xuất hiện trên Phố Wall trước cuộc họp của Fed và khi căng thẳng ở Ukraine leo thang.
Và giữa lúc chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chìm trong khó khăn, các nhà phân tích đã trích dẫn một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cảnh báo rằng các công ty của nước này trung bình chỉ có trong tay lượng chất bán dẫn đủ chưa tới 5 ngày.
Sau khi đi xuống trong phiên 24/1, các thị trường chứng khoán châu Âu ở bên kia bờ Đại Tây Dương đồng loạt phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 1% lên 7.371,46 điểm, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 0,7% và đạt mức 6.837,46 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 0,8% lên 15.123,87 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này tăng 0,6% và khép phiên ở mức 4.078,26 điểm.
Cũng trong ngày 25/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới năm 2022 xuống còn 4,4%, thấp hơn nửa điểm so với ước tính tháng 10/2021 do biến thể Omicron của virus gây dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh tế.
Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch 25/1, VN-Index tăng 39,87 điểm (2,77%) lên 1.479,58 điểm, chỉ số HNX-Index tăng 9,47 điểm (2,36%) lên 410,23 điểm.