Bên cạnh đó, số liệu kinh tế gần đây của Mỹ và Trung Quốc cũng không đủ để khuyến khích dự báo nhu cầu sẽ cải thiện.
Vào lúc 13 giờ 15 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 78 xu Mỹ (0,94%) xuống 82,34 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giảm 95 xu Mỹ (1,2%) xuống 78,21 USD/thùng.
Giá cả hai mặt hàng trên đều giảm phiên thứ hai sau khi giảm 2% trong phiên 19/4 và đang ở mức thấp nhất kể từ khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, còn gọi là OPEC+, bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng vào ngày 2/4.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới OANDA, cho biết giá dầu WTI đã quay trở lại dưới mốc 80 USD/thùng và có thể tiếp tục giảm xuống khi đồng USD tăng mạnh hơn.
Chỉ số USD đã tăng khoảng 0,4% từ đầu tuần đến nay. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ đồng tiền khác.
Nhà phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh), cho biết đồng USD mạnh đã gây sức ép lên thị trường dầu mỏ trong tuần này trước khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất và lợi suất trái phiếu bắt đầu tăng trở lại.
Theo bà Teng, mặc dù Trung Quốc báo cáo số liệu GDP tốt hơn mong đợi, số liệu yếu hơn về sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định không giúp thúc đẩy giá dầu.
Một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 19/4 cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ ít thay đổi trong những tuần gần đây, với tăng trưởng việc làm giảm nhẹ và tốc độ tăng giá chậm lại.
Công ty nghiên cứu và tư vấn ANZ Research lưu ý số liệu trên làm gia tăng những lo ngại gần đây rằng chính sách thắt chặt tiền tệ đã làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu. Trong khi đó, thị trường phớt lờ báo cáo về dự trữ dầu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Theo EIA, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước do nhu cầu tiêu thụ của các nhà máy lọc dầu và sự gia tăng hoạt động xuất khẩu.