Động thái trên diễn ra sau báo cáo cho thấy hoạt động kinh tế tại Trung Quốc giảm tốc, qua đó, làm dấy lên lo ngại nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới sẽ giảm.
Trong phiên chiều 10/10, giá dầu Brent giao tháng Mười Hai có lúc giảm 39 xu Mỹ (0,4%) xuống 97,53 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Mười Một có lúc giảm 37 xu Mỹ (0,4%) 92,27 USD/thùng.
Trong tháng Chín, hoạt động dịch vụ tại Trung Quốc đã thu hẹp lần đầu tiên trong 4 tháng khi chính sách kiểm soát dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhu cầu và niềm tin kinh doanh.
Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, đào sâu mối lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu do nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lại lạm phát.
Chuyên gia Stephen Innes của công ty dịch vụ tài chính SPI Asset Management (Thụy Sỹ) nhận định giá dầu đang chịu tác động do sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ cũng như quyết định giải phóng kho dự trữ dầu của Mỹ.
Tuần trước, giá dầu Brent và WTI đã ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng Ba, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, thông báo giảm sản lượng dầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11/2022.
Theo các chuyên gia, sự thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu đang củng cố mối lo ngại lạm phát tăng vọt khi Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt lệnh cấm đối với dầu Nga vào tháng Mười Hai.
Các nhà phân tích tại các ngân hàng và công ty môi giới đã nâng dự báo đối với giá dầu Brent lên trên 100 USD/thùng trong những tháng tới.