Chiết khấu nhiều nhưng sức mua bánh Trung thu vẫn yếu

Chỉ còn hơn tuần nữa là đến Rằm Trung thu, nhưng đến nay thị trường bánh dẻo bánh nướng các loại phục vụ ngày Tết này vẫn rất ảm đạm; . Mặc dù, các cơ sở bán bánh Trung thu đều có chiết khấu khá sâu khi mua từ 5 hộp trở lên sẽ được giảm giá từ 7- 25% nhưng sức mua vẫn yếu.

Chú thích ảnh
Chỉ còn hơn tuần nữa là đến Rằm Trung thu, nhưng đến nay thị trường bánh dẻo bánh nướng các loại phục vụ ngày Tết này vẫn rất ảm đạm. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Qua khảo sát tại các tuyến phố chuyên bày bán bánh Trung thu như Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), Lê Đại Hành (quận hai Bà Trưng), Thái Hà (quận Đống Đa), Phan Đình Phùng, Đào Tấn (quận Ba Đình), Long Biên (quận Long Biên), Thụy Khuê (quận Tây Hồ).... cho thấy, các sản phẩm bày bán rất đa dạng, phong phú, từ bình dân đến cao cấp từ các thương hiệu bánh Kinh Đô, Hữu Nghị, Madam Hương, Bảo Ngọc, Maison… Do giá một số nguyên liệu đầu vào tăng như bột mì tăng 33%, hộp giấy tăng 11%..., nên giá bánh tăng từ 5- 10% so với năm ngoái.

Cụ thể, giá bánh dao động từ 55.000- 185.000 đồng/chiếc tùy loại 1- 2 trứng với dòng bánh phổ thông và từ 300.000- 2.600.000 đồng/hộp với dòng cao cấp. Ngoài các dòng bánh Trung thu nướng, dẻo, chay truyền thống với các loại nhân đậu xanh, hạt sen, sữa dừa, thập cẩm… còn có các dòng bánh có nhân 5 loại hạt, nhân bào ngư, gà quay, cua bát bửu, cốm dừa, đậu đỏ kiểu Nhật, việt quất.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số nhân viên bán hàng, thời điểm này số lượng bánh bán ra giảm 30- 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt với những mẫu bánh cao cấp, giá thành cao nên khó bán hơn những loại bánh phổ thông. Năm nay các hãng có cập nhật thêm nhiều hương vị nhân mới cho bánh, hy vọng thu hút được khách hàng hơn. Trung bình mỗi hộp bánh được trang trí cầu kỳ có giá dao động từ 600.000- 900.000 đồng/hộp 6 bánh. 

Chị Bùi Thu Hằng, nhân viên cửa hàng Bánh mứt kẹo Hữu Nghị trên phố Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội), cho biết, hầu hết các cửa hàng đều mở quầy trước Rằm Trung thu ít nhất là 1 tháng. Mặc dù, lượng bánh bán ra không nhiều, nhưng đây là cách để giới thiệu sản phẩm, lấy vị trí đẹp thu hút người tiêu dùng vào những ngày sát Rằm.

Theo chị Bùi Thu Hằng, khách hàng thường chọn bánh vị truyền thống biếu, tặng hoặc thắp hương, nhiều nhất cũng chỉ 1- 2 hộp, chưa có các khách hàng công ty mua với số lượng lớn. Do giá nguyên liệu đầu vào đều tăng nên giá bán cũng tăng theo. Hơn nữa, do tình hình kinh tế doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị gặp khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu nên sức mua trên thị trường chưa như kỳ vọng.

Dịp Trung thu năm nay, hình thức và mẫu mã bánh Trung thu được đổi mới rất nhiều cả về khẩu vị lẫn bao bì trông bắt mắt và hiện đại hơn rất nhiều, thế nhưng dường như vẫn không thu hút được nhiều khách hàng ghé mua. Đại diện nhiều quầy bánh trung thu cho biết, hiện nay so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, sức mua giảm rõ rệt. 

Anh Nguyễn Anh Dũng, nhân viên bán hàng một đại lý của Kinh Đô trên đường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, tình hình bán bánh Trung thu năm nay rất chậm so với cùng kỳ năm ngoái, hầu như chưa có khách hỏi mua các hộp quà biếu tặng cao cấp. Khách công ty cũng chỉ ghé qua tham khảo, lấy báo giá là chính chứ chưa chốt được đơn hàng. Hiện tại, cửa hàng chỉ bán các sản phẩm bánh truyền thống là chủ yếu, còn các hộp quà tặng, bánh cao cấp, cửa hàng cũng đang nghe ngóng tình hình thị trường, phải sát ngày Rằm cửa hàng mới nhập về.

Mặc dù không niêm yết công khai, song nhiều cửa hàng đều cho biết nếu khách đặt số lượng lớn từ 5- 300 hộp bánh trở lên sẽ được chiết khấu giảm giá từ 7- 25%. Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù khởi động từ rất sớm với nhiều mẫu mã đa dạng, song thị trường bánh Trung thu tại Hà Nội năm nay vẫn kém sôi động do tình hình kinh tế khó khăn, cùng với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao nên giá sản phẩm buộc phải tăng, trong khi đó sức mua giảm rõ rệt.
 
Bên cạnh đó, các thương hiệu nổi tiếng có uy tín về bánh Trung thu trong nước còn phải cạnh tranh với các loại bánh nhập ngoại không rõ nguồn gốc, xuất xứ được chào bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, với giá cả rất hấp dẫn. 

Để kiểm soát an toàn thực phẩm chất lượng bánh Trung thu, Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu trên địa bàn thành phố. Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đã có công văn đề nghị các quận, huyện, thị xã kiên quyết loại bỏ các điểm kinh doanh thực phẩm, bánh trung thu không đúng nơi quy định, không đảm bảo an toàn thực phẩm và vi phạm trật tự công cộng… Đồng thời, chú trọng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng bánh Trung thu, nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu, rượu, bia, nước giải khát...

Các chuyên gia về lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên mua bánh Trung thu tại các cơ sở có uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Người tiêu dùng không nên mua các loại bánh Trung thu không có tiếng Việt, không rõ xuất xứ, thành phần và không có hạn sử dụng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về mất an toàn thực phẩm.
 
Vì là sản phẩm sử dụng trực tiếp nhưng không rõ thành phần, hạn dùng nên người dùng cần thận trọng. Nếu xảy ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm, người dân cũng không biết tìm đến nhà sản xuất, người bán nào mà đòi quyền lợi. Sử dụng bánh Trung thu trôi nổi không những có thể dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều doanh nghiệp.

Nam Giang (TTXVN)
Thị trường bánh Trung thu 2023 có gì mới lạ?
Thị trường bánh Trung thu 2023 có gì mới lạ?

Như mọi năm, ngày từ đầu tháng 7 Âm lịch, thị trường bánh Trung thu đã được khởi động. Nắm bắt xu hướng khác nhau của khách hàng, các công ty sản xuất bánh Trung thu cũng nhanh chóng tung ra thị trường những sản phẩm với hương vị, mẫu mã rất mới lạ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN