Giá dầu đảo chiều tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị leo thang
Giá dầu ghi nhận những biến động trái chiều liên tục trong ngày giao dịch 10/4, trước hàng loạt yếu tố quan trọng về cả cung cầu, vĩ mô và địa chính trị. Mặc dù gặp sức ép trong hơn nửa phiên, nhưng tình hình căng thẳng ở khu vực Trung Đông leo thang đã kéo giá dầu bất ngờ đảo chiều tăng mạnh trở lại cuối phiên. Chốt ngày, giá dầu WTI tăng 1,28% lên 86,32 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,19% lên 90,48 USD/thùng.
Sau khi biến động giằng co trong phiên sáng, giá dầu gặp áp lực rõ rệt vào chiều tối ngày 10/4 trước sức ép vĩ mô và báo cáo tồn kho tại Mỹ. Tâm điểm của thị trường tập trung vào dữ liệu lạm phát có dấu hiệu “nóng” trở lại của Mỹ.
Cụ thể, dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 của Mỹ tăng 0,3 điểm phần trăm trong so với tháng 2, lên mức 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn ước tính tăng 3,4%. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu và nhà ở tăng cao. Điều này làm suy giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm hạ lãi suất vào tháng 6 như dự kiến, kéo chỉ số Dollar Index tăng vọt hơn 1% lên cao nhất 5 tháng qua, từ đó gây áp lực lên giá dầu.
Đồng thời, báo cáo trạng thái nhiên liệu hàng tuần của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho thấy tồn kho dầu, xăng và nhiên liệu chưng cất đồng loạt tăng trong tuần kết thúc ngày 5/4, cũng tạo sức ép tới giá.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 tiếng gần cuối phiên, giá dầu đã lấy lại mức giảm, bật tăng ngược trở lại trước thông tin ba người con trai của một thủ lĩnh Hamas đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel ở Dải Gaza. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng các cuộc đàm phán ngừng bắn có thể bị đình trệ.
Ngoài ra, rủi ro xung đột có thể kéo theo sự tham gia của Iran cũng thúc đẩy tâm lý mua dầu, khi đây là nước sản xuất lớn thứ 3 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Iran thậm chí đã đe doạ có thể đóng cửa eo biển Hormuz nếu cần thiết, trước sự hiện diện của Israel ở UAE. Khoảng 1/5 tổng lượng tiêu thụ dầu của thế giới đi qua eo biển này hàng ngày.
Giá cà phê nội địa vượt mốc 105.000 đồng/kg
Thị trường nguyên liệu công nghiệp diễn biến trái chiều trong ngày hôm qua. Cà phê, ca cao tiếp tục là các mặt hàng đón nhận lực mua tích cực. Trong khi đó, giá bông, đường, cao su đồng loạt suy yếu. Đóng cửa, giá Robusta hồi phục mạnh 1,13% sau chuỗi giảm 4 ngày liên tiếp trước đó. Trong khi đó, giá Arabica tăng 0,5%, tiếp tục duy trì ở vùng giá cao nhất 1 năm rưỡi. Cả 2 mặt hàng cà phê tiếp tục đón nhận lực mua tích cực do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, bất chấp hoạt động xuất khẩu trong tháng 3 vẫn rất tích cực tại 2 quốc gia sản xuất lớn nhất là Brazil và Việt Nam.
Khô nắng kéo dài đang khiến tình trạng quả non chết khô trở nên nghiêm trọng hơn tại vùng trồng cà phê chính của Việt Nam. Điều này cũng đưa đến lo ngại sản lượng cà phê vụ mới sẽ tiếp tục sụt giảm từ mức thấp trong niên vụ hiện tại. Mặc dù vậy, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 3, nước ta xuất đi 188.9972 tấn cà phê, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng trong tháng 3, Brazil xuất đi 846.700 bao cà phê Robusta, gấp 8 lần cùng kỳ năm 2023. Brazil được cho là đang cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu Robusta để bù đắp những thiếu hụt từ các quốc gia Châu Á.
Trong khi đó, đồng USD mạnh lên sau số liệu CPI Mỹ được công bố là một trong những yếu tố quan trọng đã hạn chế sự phục hồi của giá cà phê Arabica. Chỉ số Dollar Index tăng đã kéo theo tỷ giá USD/BRL cao hơn 1,31% so với tham chiếu. Chênh lệch tỷ giá lớn hơn tạo tâm lý kỳ vọng nông dân Brazil sẽ bán nhiều cà phê hơn nữa. Điều này đã kích thích lực bán chiếm ưu thế trong nửa đầu phiên tối.
Brazil tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vụ 23/24, giúp củng cố nguồn cung trên thị trường. Trong tháng 3, Brazil xuất đi 4,29 triệu bao cà phê, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (10/4), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt tăng mạnh 800 - 900 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước tiếp tục thiết lập mức đỉnh lịch sử mới, dao động trong khoảng 105.000 - 105.900 đồng/kg.