Đáng chú ý, đi ngược xu hướng chung của thị trường, kim loại là nhóm duy nhất chốt ngày hôm qua trong sắc xanh với toàn bộ 10 mặt hàng đồng loạt tăng giá. Trong đó, giá bạc nối dài chuỗi tăng sang ngày thứ 8 liên tiếp. Ở chiều ngược lại, cà phê, mặt hàng ghi nhận lực tăng mạnh nhất toàn thị trường trong tuần vừa qua, đã mở đầu tuần này với đà suy yếu nhẹ.
Giá bạc tăng 8 ngày liên tiếp, quặng sắt tăng vọt lên mức cao nhất 2 tuần
Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 8/4, thị trường kim loại nối dài đà tăng mạnh của tuần trước đó. Đối với kim loại quý, giá bạc nối dài đà tăng sang ngày thứ tám liên tiếp khi tăng 1,11% lên 27,8 USD/ounce. Giá bạch kim cũng phục hồi sau ngày giảm vào cuối tuần, chốt tại mức 974,5 USD/ounce sau khi tăng 3,6%. Theo MXV, giá kim loại quý vẫn đang được hưởng lợi khi xung đột địa chính trị tiềm ẩn rủi ro leo thang.
Bên cạnh đó, đối với bạc, nhu cầu tiêu thụ tăng vọt càng hỗ trợ cho giá. Dữ liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho thấy, quốc gia tiêu thụ bạc lớn nhất thế giới, quốc gia này đã nhập khẩu kỷ lục 2.295 tấn bạc trong tháng 2, tăng từ mức 637 tấn vào tháng 1. Hơn nữa, nhập khẩu bạc của nước này được dự báo có thể đạt 6.000 tấn vào năm nay, tăng từ mức 3.625 tấn của năm ngoái, do nhu cầu mạnh mẽ từ lĩnh vực công nghiệp chế tạo và năng lượng mặt trời.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX chốt ngày tăng 0,94%. Mặt hàng này đón nhận lực mua tích cực nhờ triển vọng tiêu thụ lạc quan, đặc biệt là đặt trong bối cảnh thị trường đồng vẫn đang phải đối mặt với rủi ro nguồn cung thu hẹp như hiện tại.
Cụ thể, theo nhà kinh tế trưởng của Trafigura, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng bổ sung thêm một triệu tấn nhu cầu đồng mỗi năm vào năm 2030, làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng cung cầu đồng. Ngoài ra, các ước tính cho thấy mức tiêu thụ đồng cho cơ sở hạ tầng dữ liệu sẽ tăng từ 197.000 tấn vào năm 2020 lên 293.000 tấn vào năm 2040.
Trong một diễn biến khác, sau chuỗi nhiều phiên giảm liên tiếp, giá quặng sắt đã trải qua phiên giao dịch khởi sắc khi bật tăng 6,01% lên 104,26 USD/tấn, mức cao nhất trong gần hai tuần, nhờ một vài dấu hiệu cho thấy nhu cầu thép phục hồi. Cụ thể, dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày của các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã tăng 1% lên 2,24 triệu tấn vào ngày 3/4, cao nhất kể từ cuối tháng 2.
Hơn nữa, nhu cầu thép bùng nổ tại Ấn Độ càng giúp thúc đẩy lực mua nguyên liệu thô đầu vào cho sản xuất thép là quặng sắt. Theo Reuters, Ấn Độ đã nhập khẩu 8,3 triệu tấn thép thành phẩm trong năm tài chính 2023/24 kết thúc vào ngày 31/3, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tiêu thụ thép đạt tổng cộng 136 triệu tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ và sản lượng thép thô đạt 143,6 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ.
Giá ca cao tiếp tục lập đỉnh, giá đường về mức thấp nhất 1 tháng
Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, chốt ngày hôm qua (8/4), giá ca cao tiếp tục neo ở vùng giá cao nhất lịch sử sau khi tăng thêm 1,02%. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung tại các nước sản xuất tiếp tục là yếu tố thúc đẩy giá.
Tính chung từ đầu vụ 23/24 (tháng 10/2023) đến ngày 7/4/2024, lượng ca cao cập cảng tại Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,3 triệu tấn, giảm mạnh 27,4% so với cùng kỳ vụ trước. Sản lượng ở mức thấp là nguyên nhân chính khiến hoạt động xuất khẩu chững lại. Bên cạnh đó, Trader Ecom dự đoán, sản lượng ca cao vụ hiện tại của Bờ Biển Ngà sẽ giảm 21,5% so với vụ trước, về còn 1,75 triệu tấn, mức thấp nhất trong 8 năm.
Ở chiều ngược lại, giá đường 11 giảm 1,82% trong phiên hôm qua, về mức thấp nhất trong gần một tháng. Sự cải thiện nguồn cung tại Ấn Độ kết hợp cùng số liệu xuất khẩu tích cực tại Brazil tạo nên áp lực kéo với giá.
Cụ thể, Ấn Độ đang xem xét việc cho phép xuất khẩu 1 triệu tấn đường sau khi Hiệp hội các nhà sản xuất đường và năng lượng sinh học Ấn Độ (ISMA) cho biết nước này có khả năng sản xuất 32 triệu tấn đường trong vụ 23/24, cao hơn so với nhu cầu nội địa. Trong khi đó, chính phủ Brazil cho biết, trong tháng 3, quốc gia này đã xuất đi 2,72 triệu tấn đường, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, sau tuần tăng giá rất mạnh trước đó, giá cà phê ghi nhận tín hiệu suy yếu nhẹ vào đầu tuần này, chủ yếu do lực bán kỹ thuật. Cụ thể, giá Arabica giảm 0,66% sau khi chạm mức cao nhất 1 năm rưỡi, giá Robusta đánh giảm không đáng kể 0,05% từ mức đỉnh lịch sử 30 năm. Tính đến 2/4, vị thế mua ròng cà phê Arabica đã ở mức 43.059 hợp đồng, cao nhất trong hai năm.
Trong khi đó, xét về mặt nguồn cung, MXV nhận định, giá cà phê vẫn còn dư địa lấy lại đà tăng ngay trong một vài phiên sắp tới. Số liệu cập nhật đến hết ngày 5/4, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US giảm 14.755 bao, trong bối cảnh đà phục hồi từ mức thấp nhất 24 năm bắt đầu chậm dần. Mức tồn kho hiện tại vẫn giảm 20% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp trong lịch sử.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (8/4), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng mạnh 1.200 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức cao chưa từng có, dao động quanh mốc 104.000 - 104.500 đồng/kg.