Chỉ số giá hàng hoá tăng ngày thứ tư liên tiếp, lên cao nhất 6 tháng

Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, ngày hôm qua (4/4), lực mua chiếm ưu thế trên cả 4 nhóm hàng hoá nguyên liệu đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV, bao gồm Năng lượng, Kim loại, Nông sản và Công nghiệp, hỗ trợ chỉ số MXV-Index đóng cửa nối dài đà tăng sang ngày thứ tư liên tiếp, với mức tăng 0,51% lên 2.303 điểm, cao nhất trong vòng hơn 6 tháng trở lại đây. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 5.900 tỷ đồng. 

Chú thích ảnh

Căng thẳng địa chính trị leo thang là yếu tố chính hỗ trợ dầu thô và nhóm các mặt hàng kim loại duy trì đà tăng trong ngày giao dịch hôm qua. Đáng chú ý, giá dầu Brent đã chính thức vượt mốc 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2023. Trong khi giá dầu nối dài đà tăng mạnh, biên độ tăng của giá kim loại đã có phần thu hẹp so với ngày trước đó.

Giá dầu Brent lần đầu vượt mốc 90 USD/thùng kể từ tháng 10/2023

Mặc dù giảm trong hơn nửa phiên giao dịch, giá dầu đã bất ngờ đảo chiều tăng vọt trở lại vào cuối phiên sau hàng loạt rủi ro địa chính trị làm gia tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Các diễn biến tăng giá mạnh chỉ diễn ra trong vòng 2 tiếng, đẩy dầu Brent chính thức vượt mốc 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2023. Như vậy, chốt phiên ngày 4/4, giá dầu WTI tăng 1,36% lên 86,59 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,45% lên 90,65 USD/thùng.

Chú thích ảnh

Hàng loạt rủi ro địa chính trị xung quanh các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới gia tăng ngay trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu vốn đang gián đoạn và thu hẹp, đã đẩy giá dầu ghi nhận ngày tăng giá thứ 5 liên tiếp. 

Căng thẳng tại khu vực Trung Đông có nguy cơ mở rộng, sau thông tin cho rằng các đại sứ quán Israel trên khắp thế giới đang ở trong tình trạng báo động cao do xung đột với Iran. 

Vào hôm qua, Mỹ cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt chống khủng bố mới liên quan đến Iran đối với Oceanlink Maritime DMCC và các tàu của đơn vị này, với lý do cơ quan này có vai trò vận chuyển hàng hóa thay mặt cho quân đội Iran. 

Bộ Tài chính cho biết Mỹ đang sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính để cô lập Iran, nhằm phá vỡ khả năng tài trợ cho các nhóm ủy quyền của quốc gia này, cũng như cản trở sự hỗ trợ của nước này đối với cuộc xung đột của Nga ở Ukraine. 

Cơ quan Hàng hải Quốc gia Đan Mạch mới đây đã đóng cửa eo biển Great Belt, một địa điểm vận chuyển quan trọng cho các đội tàu chở dầu của Nga. Hơn 3 triệu thùng dầu mỗi ngày được vận chuyển qua eo biển này, chủ yếu là dầu của Nga. 

Thêm vào yếu tố thúc đẩy đà tăng giá, công ty năng lượng nhà nước Pemex của Mexico đã yêu cầu đơn vị kinh doanh quốc gia hủy xuất khẩu tới 436.000 thùng dầu thô/ngày trong tháng này nhằm đảm bảo cho nguồn cung nhiên liệu trong nước.

MXV nhận định, động lực tăng của giá dầu hiện tại vẫn còn có thể kéo dài hơn nữa khi mà ngay trong thời điểm OPEC+ thắt chặt nguồn cung, thì hàng loạt điểm nóng địa chính trị cũng đang đe doạ tới nguồn cung dầu. Các yếu tố này nếu tiếp tục duy trì, giá dầu Brent có dư địa tiến đến sát mốc 100 USD/thùng, nhất là vào giai đoạn tiêu thụ xăng dầu cao điểm kể từ khoảng tháng 6 đang đến gần. Điều này có thể sẽ khiến cho OPEC+ có động lực hạn chế bớt chính sách cắt giảm sản lượng trong giai đoạn quý III.   

Giá bạc tăng 6 ngày liên tiếp, đạt mức cao nhất 11 tháng

Kết thúc ngày giao dịch 4/4, sắc xanh phủ kín bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc tiếp tục duy trì ở vùng giá cao nhất 11 tháng trong khi giá bạch kim neo tại mức cao nhất trong gần 1 tháng. Tuy vậy, đà tăng giá của cả hai mặt hàng thu hẹp hơn hẳn so với ngày trước đó. Chốt ngày, giá bạc nối dài đà tăng sang phiên thứ sáu liên tiếp, đóng cửa tại mức 27,24 USD/ounce sau khi tăng 0,69%. Giá bạch kim tăng 0,64% lên 952,6 USD/ounce.   

Giá kim loại quý vẫn đang tăng tốt nhờ phát huy tốt vai trò trú ẩn trong bối cảnh xung đột địa chính trị tiểm ẩn rủi ro lan rộng. Tuy vậy, đà tăng của giá bạc và giá bạch kim hạn chế hơn phiên trước đó do nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn khi Mỹ công bố dữ liệu lao động quan trọng vào tối nay. Báo cáo này sẽ cho thấy cái nhìn rõ hơn về bức tranh kinh tế Mỹ và cung cấp manh mối về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). 

Chú thích ảnh

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà tăng sang phiên thứ năm liên tiếp. Chốt phiên, giá đồng tăng 1,31% lên 4,24 USD/pound, tiếp tục duy trì ở vùng đỉnh 14 tháng nhờ được hỗ trợ bởi cả yếu tố nhu cầu và rủi ro nguồn cung thu hẹp. 

Tuy nhiên, mức tăng này thu hẹp hơn hẳn so với mức tăng hơn 3% của phiên trước đó do một số tin tức tích cực về nguồn cung. Cụ thể, công ty khai thác đồng lớn nhất thế giới Codelco cho biết hoạt động khai thác của họ đang dần phục hồi sau sự sụt giảm của năm ngoái và hiệu suất khai thác dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tính trong quý I/2024, sản lượng đồng của họ đạt gần 300.000 tấn. 

Ở chiều ngược lại, quặng sắt tiếp tục là mặt hàng kim loại duy nhất sụt giảm trong ngày hôm qua, nối dài đà giảm mạnh trong những phiên giao dịch gần đây. Chốt ngày, giá quặng sắt giảm 1,77% về 97,74 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 9/2023. 

Yếu tố tiêu thụ thực tế yếu kém kết hợp với việc Trung Quốc tuyên bố tiếp tục thực hiện việc kiểm soát sản lượng thép thô đã gây áp lực bán mạnh mẽ lên giá quặng sắt, do đây vốn là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất thép. 

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)
Giá vàng chạm 'đỉnh' mới phiên thứ 5 liên tiếp
Giá vàng chạm 'đỉnh' mới phiên thứ 5 liên tiếp

Giá vàng tại thị trường châu Á giảm nhẹ vào cuối phiên 4/4, song vẫn có lúc chạm mức cao kỷ lục phiên thứ năm liên tiếp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN