Giá vàng đạt đỉnh phiên thứ 5 liên tiếp
Giá vàng tại thị trường châu Á giảm nhẹ vào cuối phiên 4/4, song vẫn có lúc chạm mức cao kỷ lục phiên thứ năm liên tiếp, giữa bối cảnh các quan chức Fed nhắc lại kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào năm 2024, ngay cả khi thời điểm cắt giảm không rõ ràng, trong khi các nhà giao dịch đang chờ đợi dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ trong tháng 3/2024.
Cụ thể, giá vàng giao ngay phiên này giảm 0,2%, xuống mức 2.293,54 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất mọi thời đại là 2.304,09 USD/ounce trước đó. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1%, xuống mức 2.312,40 USD/ounce.
Ông Michael Langford, Giám đốc đầu tư của Scorpion Minerals, cho biết: "Nhân tố thúc đẩy giá vàng là do các đồng tiền trên toàn cầu mất giá so với đồng USD vì nhiều lý do. Nếu lãi suất không giảm và Fed duy trì lãi suất hiện tại đến cuối năm, thì việc giá vàng điều chỉnh ít nhất 10% là hợp lý”.
Tại Việt Nam, vào chiều 4/4, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 79,3 - 81,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu "nhích" nhẹ sau cuộc họp của OPEC+
Giá dầu tăng nhẹ phiên 4/4 tại thị trường châu Á, do lo ngại nguồn cung hạ thấp khi các nhà sản xuất lớn tiếp tục cắt giảm sản lượng và có dấu hiệu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn ở Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2024 tăng 4 xu Mỹ, lên 89,39 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao tháng 5/2024 cũng tăng 2 xu, lên 85,45 USD/thùng.
Cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã giữ nguyên chính sách sản lượng vào cuộc họp ngày 3/4, đồng thời hối thúc một số nước tăng cường tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
OPEC+ cho biết, một số thành viên sẽ hạn chế nguồn cung để bù đắp cho tình trạng dư thừa trong quý đầu tiên. Nga dự kiến sẽ chuyển sang thắt chặt sản lượng thay vì hạn chế xuất khẩu.
Cả hợp đồng dầu Brent giao tháng Sáu và hợp đồng dầu WTI giao tháng Năm đều tăng trong bốn phiên vừa qua và đóng cửa phiên 3/4 ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2023. Các nhà phân tích tại ING cho biết giá dầu tiếp tục tăng cao sau khi cuộc họp của OPEC+ khuyến nghị không thay đổi chính sách sản lượng. Các nhà phân tích cho biết: “Dầu Brent đang đối mặt với một số kháng cự ở mức giá 90 USD/thùng và cho đến nay nó không thể vượt qua mức này”.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell gần đây đã tỏ ra thận trọng về việc cắt giảm lãi suất trong tương lai vì dữ liệu gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm và lạm phát của Mỹ cao hơn dự kiến. Ông Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cấp cao của tập đoàn quản lý tài sản của U.S. Bank, cho biết những bình luận này mang tính tích cực đối với dầu vì chúng cho thấy sự tăng trưởng kinh tế vững chắc của Mỹ.
Chứng khoán châu Á biến động ngược chiều
Thị trường châu Á biến động trái chiều phiên 4/4, sau khi các dữ liệu kinh tế mới nhất của Mỹ cho thấy dấu hiệu lạm phát đang giảm bớt và Chủ tịch Fed Jerome Powell xoa dịu những đồn đoán xung quanh kế hoạch cắt giảm lãi suất trong năm nay. Đà phục hồi của thị trường chứng khoán bắt đầu vào cuối năm 2023 đã chững lại trong những tuần gần đây, sau khi một loạt báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh và giá cả vẫn chưa giảm đủ các quan chức bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay.
Khép phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 321,29 điểm (0,81%), lên 39.773,14 điểm. Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi tăng 35,03 điểm, tương đương 1,29%, đóng cửa ở mức 2.742 điểm. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ trong phiên này.
Kết thúc phiên giao dịch 4/4, tại thị trường Việt Nam, VN-Index giảm 3,2 điểm về 1.268.3 điểm, HNX-Index giảm 1,51 điểm về 242,4 điểm.